SpaceX mở ra kỷ nguyên du hành không gian thương mại

Chuyến bay chở hai phi hành gia lên trạm ISS do SpaceX và NASA hợp tác tiến hành tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực du hành không gian.

Sau gần hai thập kỷ nỗ lực, công ty của Elon Musk, SpaceX, phóng thành công tàu vũ trụ đưa hai phi hành gia vào quỹ đạo, mở ra kỷ nguyên mới cho các chuyến bay chở người vào không gian ở Mỹ. Chuyến bay Demo-2  đánh dấu lần đầu tiên phi hành gia được đưa vào quỹ đạo từ đất Mỹ sau gần một thập kỷ và SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên chở hành khách bằng phương tiện tự chế tạo.


Tên lửa Falcon 9 của SpaceX rời khỏi vệ phóng. (Ảnh: AFP).

Hai phi hành gia NASA Bob Behnken và Doug Hurley bay vào không gian bên trong tàu tự động mới của SpaceX mang tên Crew Dragon, con tàu được thiết kế để chở người giữa Trái Đất và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ngồi bên trong khoang tàu hình nón, bộ đôi khởi hành trên lưng tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida vào 2h22 ngày 31/5 theo giờ Hà Nội. Tên lửa đưa tàu Crew Dragon lên quỹ đạo khoảng 12 phút sau. Vào tối cùng ngày, hai phi hành gia ghép nối thành công với Trạm Vũ trụ Quốc tế.

"Bob và Doug, thay mặt toàn bộ đội ngũ phóng tàu, cảm ơn các anh vì đã bay với tên lửa Falcon 9",  Bala Ramamurthy, kỹ sư trưởng phụ trách dự án Crew Dragon, nói với hai phi hành gia sau khi họ tới quỹ đạo. "Chúng tôi hy vọng các anh yêu thích chuyến bay và chúc các anh thực hiện nhiệm vụ tốt đẹp". Tầng đẩy tên lửa Falcon 9 cũng hạ cánh thành công trên một trong những tàu không người lái của SpaceX ở Đại Tây Dương, kết thúc buổi phóng tàu trôi chảy.

Lần phóng này là cột mốc quan trọng đối với SpaceX, công ty do Musk thành lập với mục tiêu đưa người vào vũ trụ và xây dựng khu định cư trên sao Hỏa. Đây cũng là thử nghiệm quan trọng cuối cùng đối với SpaceX theo chương trình Commercial Crew của NASA. Thông qua chương trình, NASA chọn ra hai công ty là SpaceX và Boeing để phát triển tàu vũ trụ mới có thể thường xuyên vận chuyển phi hành gia giữa Trái Đất và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sau 6 năm phát triển và thử nghiệm Crew Dragon, SpaceX trở thành công ty tiên phong trong cuộc đua chở người vào không gian đầu tiên. Chuyến bay hôm 31/5 giúp xác định tàu Crew Dragon đã sẵn sàng để chở phi hành gia NASA lên ISS trong những năm tới hay chưa.

Dù chuyến bay được xem như một thử nghiệm, nó vẫn có ý nghĩa to lớn đối với nước Mỹ. Lần gần nhất các phi hành gia bay vào quỹ đạo từ đất Mỹ là trong chuyến bay cuối cùng của tàu vũ trụ con thoi vào ngày 8/7/2011. Từ sau đó, tên lửa Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất thực hiện những chuyến bay có người lái lên ISS, và mỗi ghế trên tàu Soyuz tiêu tốn của NASA khoảng 80 triệu USD.

Chưng trình Commercial Crew được tạo ra nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của NASA vào Nga, đồng thời mở ra cách hoạt động mới ở NASA. Trong lịch sử bay vào vũ trụ, chính phủ chịu trách nhiệm giám sát thiết kế, chế tạo và vận hành tàu vũ trụ chở người lên quỹ đạo. Với Commercial Crew, NASA muốn khối tư nhân tham gia. Khi ký hợp đồng với SpaceX và Boeing năm 2014, NASA hy vọng họ có thể phóng phương tiện vào năm 2017. Những trì hoãn về mặt kỹ thuật và thất bại trong thử nghiệm khiến chương trình tiến triển chậm hơn dự kiến, nhưng SpaceX đã tạo ra bước ngoặt mới.

"SpaceX đã đặt nền móng cho kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chở người vào không gian", Jim Bridenstine, giám đốc NASA, phát biểu trước buổi phóng. "Đó là một kỷ nguyên mà nhiều người có thể bay vào không gian hơn trước đây".


Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cất cánh khởi đầu cho thành công đưa tàu vũ trụ chở người vào không gian. (Video:SpaceX).

Tàu Crew Dragon được thiết kế để tự động ghép nối với trạm ISS mà không cần nhận lệnh từ phi hành đoàn, dù hai phi hành gia điều khiển tàu bằng màn hình cảm ứng khi tiếp cận trạm ISS. Sau khi kiểm tra giao diện, họ trao lại quyền điều khiển cho tàu Crew Dragon. Con tàu ghép nối thành công với trạm ISS vào 21h16 ngày 31/5 theo giờ Hà Nội. Đây vẫn chưa phải là một chiến thắng tuyệt đối.

Behnken và Doug Hurley sẽ phải vượt qua hành trình trở về, giúp kiểm tra khả năng đưa người trở lại Trái Đất an toàn của tàu Crew Dragon. NASA chưa quyết định ngày bay trở về của họ, dự kiến diễn ra trong khoảng 6 - 16 tuần tới. Sau khi có quyết định, Behnken và Hurley sẽ trở lại vào khoang tàu Crew Dragon và bắt đầu hành trình căng thẳng qua khí quyển Trái Đất. Tàu Crew Dragon trang bị tấm chắn nhiệt để bảo vệ phi hành gia, hệ thống 4 dù được thiết kế để bung ra và giúp phương tiện hạ cánh nhẹ nhàng xuống Đại Tây Dương. Sau đó, tàu thu hồi của SpaceX sẽ gặp phi hành đoàn, đưa họ và khoang tàu vào bờ. Đó là mốc đánh dấu nhiệm vụ thành công. "Tôi sẽ không ăn mừng cho tới khi Bob và Doug trở về nhà thành công", giám đốc NASA nói.

NASA lên kế hoạch sử dụng dữ liệu thu thập từ nhiệm vụ này để chứng nhận tàu Crew Dragon có thể thực hiện những chuyến bay thường xuyên chở phi hành gia giữa Trái Đất và trạm ISS. SpaceX và NASA dự định tiến hành chuyến bay tiếp theo của tàu Crew Dragon vào ngày 30/8 với 4 phi hành gia, bao gồm 3 phi hành gia NASA Victor Glover, Mike Hopkins, và Shannon Walker, cùng phi hành gia người Nhật Soichi Noguchi. Điều đó đánh dấu bắt đầu kỷ nguyên mới trong đó các công ty tư nhân định kỳ đưa người lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Tham vọng của SpaceX không dừng lại ở đó. Công ty đang phát triển tàu Starship để chở người tới các địa điểm ở không gian sâu như Mặt Trăng và sao Hỏa trong tương lai. Có nhiều chướng ngại vật giữa tầm nhìn táo bạo và thực tiễn, nhưng thành công của Demo-2 cho thấy công ty đang đi đúng hướng nhằm giúp con người bay vào sâu hơn trong vũ trụ.

Cập nhật: 02/06/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video