Rất có thể các nhà khoa học sắp tìm ra một họ hàng xa của con quái vật huyền thoại nổi tiếng trong hồ Loch-Ness tại Scotland.
Trên bờ vịnh Manche các nhà khảo cổ học và cổ sinh vật học đã phát hiện các hoá thạch của một loài thằn lằn cổ dài (plesiosaur), sống vào khoảng 150-200 triệu năm trước, thuộc kỷ Jura. Theo các chuyên gia, loài bò sát này rất giống với con quái vật ở hồ Loch-Ness nổi tiếng một thế kỷ nay.
Hoá thạch thằn lằn cổ dài có phải tiền thân của quái vật hồ Loch-Ness?
Từ chót mũi đến đuôi, con quái vật tìm thấy ở dạng hoá thạch này dài 3,6 mét. Trong quá trình khai quật người ta đã thu lượm được 150 đoạn xương, một phần sọ và các mảnh răng, lắp ghép lại được 79% của bộ xương. Theo nhà cổ sinh học Richard Edmonds, những hoá thạch như vậy cực hiếm. Cho tới nay mới chỉ có 10 trường hợp phát hiện hoàn toàn hoặc từng phần của bộ xương thằn lằn cổ dài (plesiosaur).
Con vật bò sát dưới biển khơi này rất giống với con quái vật nổi tiếng của hồ Loch-Ness về chiếc cổ dài ngoẵng và chiếc đuôi, bốn chiếc vây lớn và bộ răng sắc như dao.
|
Loài thằn lằn cổ dài (plesiosaur) được mô tả là rất giống con quái vật hồ Loch-Ness. Ảnh: Tuapalavra.com. |
Nhiều chi tiết trong bộ xương được bảo quản một cách tuyệt vời, nhưng một số đã bị phân huỷ. Các nhà khoa học cho rằng, bộ xương bị lẫn một phần với xương của loài động vật biển nào đó. Trong kỷ nguyên Jura, tại nơi mà hiện nay là vịnh Manche là vùng biển nhiệt đới khá nông, là nơi đã được khẳng định là từng có loại thằn lằn cổ dài sinh sống cũng như loài ăn thịt chúng.
Trong thời gian gần đây, người ta đã phát hiện ra hoá thạch của những con vật có hình dạng kỳ lạ của thời tiền sử và sẽ tổ chức một cuộc triển lãm để công chúng đến tham quan. Các bộ xương của các con vật này có một vị trí xứng đáng trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng như một niềm tự hào của thành phố bên cạnh bộ hoá thạch vừa khai quật được.
Về chính bản thân con quái vật Loch-Ness, thì người ta đã sục sạo hết sức kỹ lưỡng nơi được cho là sào huyệt của nó để “truy nã” bằng được với các tàu lặn và những bộ định vị bằng sóng âm (sonar) siêu hiện đại,và cuối cùng, các nhà khoa học đã đi đến kết luận là tại thời điểm này trong hồ Loch-Ness không hề có Nessie hoặc một quái vật nào tương tự.
Dù người ta chưa bao giờ phát hiện một dấu hiệu nào của loài bò sát khổng lồ cổ đại trong hồ Loch-Ness, các chuyên gia cho biết rằng nếu có đi chăng nữa thì con thằn lằn cổ dài cũng đã bị chết vì những hoạt động của con người. Nói chính xác hơn, những chất thải độc hại của những xí nghiệp công nghiệp đóng ở quanh hồ đổ xuống cũng làm chúng không thể sống nổi.
Năm 2001, chuyên gia nổi tiếng nhất về quái vật Loch-Ness là Robert Rines tại Viện Công nghệ Massachusetts MIT đã công bố về sự biến mất hoàn toàn của đối tượng nghiên cứu. Điều thú vị là một mẩu tin được viết trên cơ sở kết luận của ông lại được mọi người xem như bản cáo phó về một con quái vật thực sự có thật. Đa số người vẫn luôn nghĩ là Nessie là con vật duy nhất thuộc loài khủng long cổ dài còn sót lại.
Huyền thoại về quái vật hồ Loch-Ness liệu có kết thúc?
Những tin đồn về “con khủng long” sống ở một vùng đông dân cư của châu Âu (Scotland) bắt đầu lan rộng ra trong cả phạm vi quốc gia lẫn quốc tế từ đầu thế kỷ trước. Tháng Tư năm 1933, câu chuyện về cuộc chạm trán với nó được John Mackey kể lại với đầy đủ các chi tiết, trong một phóng sự điều tra đăng trên báo Inverness Courier và ngay lập tức con quái vật được toàn thế giới biết đến dưới cái tên là Nessie. Theo mô tả, con vật có chiều ngang 1 m, cao chừng 8 m trên mặt nước, cổ dài 3-4 m trông tựa cái vòi voi, chân ngập trong nước nên không thấy rõ. Sau đó, xuất hiện rất nhiều bức ảnh về con quái vật này. Gây ấn tượng mạnh nhất là tấm ảnh chụp năm 1934 của bác sĩ Robert Kenneth Wilson làm việc tại Bệnh viên Harley Street.
Bức ảnh nổi tiếng của bác sĩ Robert Kenneth Wilson. Ảnh: Getty Images.
Vào cuối những năm 1990, Robert Rines nhận xét rằng, số lượng những thông tin về con quái vật ấy giảm xuống một cách rõ rệt. Theo lời ông “máy định vị bằng siêu âm của những tàu đánh cá ngày càng ít khi chỉ ra sự có mặt của một đối tượng đáng nghi ngờ dưới đáy hồ. Tất cả những dẫn chứng ấy đã dần dần xoá đi những tin đồn dai dẳng suốt một thế kỷ rằng chiếc hồ rộng lớn này che giấu một con vật khổng lồ chưa phát hiện ra”.
Quan trọng hơn hết là nguồn tin của đại diện chính quyến Scotland, là những người từ rất lâu cố tình nửa úp nửa mở tung ra những tin tức mỗi lúc một khác về con quái vật hồ Loch-Ness, lợi dụng câu chuyện hiếu kỳ để thu hút khách du lịch nhằm thu lợi nhuận. Đến nay các quan chức đã cảnh giác trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch vụ du lịch đối với cảnh quan vùng này.
Nguồn: Pravda