Mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một khối lượng tương tự, theo một nghiên cứu mới đây.
Theo báo The Guardian (Anh), đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính lượng chất thải nhựa ô nhiễm mà con người đã hấp thụ.
Con số thật có thể còn cao hơn nhiều lần khi chỉ một lượng nhỏ thực phẩm và nước uống được đưa vào phân tích. Theo các nhà khoa học, việc uống nước đóng chai làm gia tăng trầm trọng số lượng hạt vi nhựa mà con người tiêu thụ.
Hiện vẫn chưa rõ cụ thể tác hại của việc ăn hạt vi nhựa đối với con người, nhưng chúng có thể chứa các chất độc hại. Một vài hạt nhỏ đến mức có thể gây tổn thương đến các mô trong cơ thể, gây ra các phản ứng miễn dịch như ho, dị ứng…
Các mảnh và sợi nhựa nhỏ tìm thấy trong tinh thể muối tinh - (Ảnh: Paulo Oliveira/Alamy).
Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi: trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.
Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10 năm ngoái - bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó đã đo lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia và nước, cũng như không khí trong các thành phố lớn.
Các nhà khoa học đã sử dụng chế độ ăn uống do Chính phủ Mỹ quy định nhằm tính toán lượng hạt vi nhựa con người ăn phải trong 1 năm. Ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.
Phần lớn thực phẩm và nước uống vẫn chưa được kiểm tra, và nghiên cứu trên chỉ mới ước tính 15% lượng calorie mà con người tiêu thụ.
"Con số có thể lớn hơn nhiều. Vẫn còn một lượng dữ liệu khổng lồ cần được bổ sung" - ông Kieran Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), nhìn nhận.
Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox cho biết. "Khả năng cao là sẽ có rất nhiều hạt vi nhựa trong các thực phẩm này. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn".
Nước đóng chai có lượng hạt vi nhựa trung bình gấp 22 lần trong nước máy. Một người uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ khoảng 130.000 hạt vi nhựa mỗi năm chỉ riêng từ nguồn này, so với 4.000 hạt từ nước máy.
Các nhà khoa học không biết điều gì sẽ xảy ra khi hạt vi nhựa vào trong cơ thể người, nhưng nghiên cứu này đã chỉ ra "phần lớn chúng sẽ được hấp thụ" hơn là bị ho và hắt xì đẩy ra ngoài. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng lượng hạt vi nhựa của một bữa ăn trong ngày có thể lên đến 10.000 hạt/năm.
Cox cho biết nghiên cứu này đã thay đổi hoàn toàn thói quen của ông. "Tôi cố gắng không dùng bao bì bằng nhựa và tránh sử dụng nước uống đóng chai nhiều nhất có thể", ông nói.
"Loại bỏ những sản phẩm nhựa dùng-một-lần và ủng hộ những doanh nghiệp không sử dụng bao bì nhựa sẽ đem đến sự thay đổi to lớn", Cox nói.