Phương pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị và xạ trị có thể tạo ra các tế bào gốc ung thư có khả năng chống lại quá trình điều trị tiếp theo, theo Fox News.
Hóa trị và xạ trị là các phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị ung thư. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tại Trường Y Harvard (Mỹ) cho thấy các phương pháp này có thể dẫn đến kết quả không như mong đợi.
Các nghiên cứu trước cho thấy tế bào gốc ung thư làm phát sinh các khối u mới. Vì vậy mà bệnh ung thư tái phát và di căn khắp cơ thể.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy tế bào gốc ung thư có khả năng tồn tại qua quá trình hóa trị hay xạ trị.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại Trường Y Harvard cho tế bào ung thư bình thường tiếp xúc với tia gamma, một loại tia được dùng trong xạ trị.
Họ nhận thấy, trong điều kiện thông thường có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào gốc thì tế bào ung thư bình thường hình thành nên những quả cầu tế bào - dấu hiệu của tế bào gốc ung thư.
Ngoài ra, khi phân tích các tế bào ung thư bình thường đã được chiếu xạ, các nhà khoa học phát hiện thấy các hoạt động của gene có liên quan đến hoạt động của tế bào gốc.
Họ kết luận rằng, xạ trị và hóa trị có thể làm nảy sinh các tế bào gốc ung thư, có khả năng chống lại sự điều trị tiếp sau và khiến các khối u lây lan khắp cơ thể.
Bác sĩ Chiang Li từ Trường Y Harvard tại Boston (Mỹ), người tiến hành nghiên cứu nói: “Điều này lý giải vì sao quá trình xạ trị và hóa trị để điều trị ung thư vào giai đoạn cuối thường không đạt được hiệu quả như mong đợi”.
Công trình đăng tải trên chuyên san Cell Cycle.