Vương quốc Guge thịnh vượng được xây dựng từ thế kỷ 10 và biến mất bí ẩn vào thế kỷ 17, để lại những tàn tích có giá trị lớn về văn hóa, nghệ thuật.
Tàn tích của vương quốc Guge nằm trên một ngọn núi ở làng Zhabran, thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. (Ảnh: Tibettravel).
Vào thế kỷ 9, vương quốc Tubo tan rã sau khi Lang Dharma bị ám sát. Jide Nyimagon, cháu nội của Lang Dharma đến Ngari và thành lập vương quốc Guge. Những người con trai của Jide Nyimagon và hậu duệ của họ sau này đã thành lập 3 chế độ: Guge, Ladakh và Burang. Vào thời hưng thịnh nhất, chế độ này không chỉ cai quản toàn bộ Ngari, mà còn mở rộng đến Kashmir và Pakistan ngày nay. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Sau 700 năm tồn tại, vương quốc Guge tàn lụi vào năm 1635, hơn 100.000 người đột ngột biến mất mà không để lại dấu vết. Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về sự kiện này. Trong đó, quan điểm nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhất đó là vào năm 1635 chiến tranh nổ ra, chế độ Ladakh đã chiếm đóng và phá hủy vương quốc Guge. Vị vua cuối cùng của Guge và các thành viên trong gia đình đã bị bắt và đưa đi. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Hiện nay, những tàn tích còn lại của cung điện Guge vẫn khiến du khách ngỡ ngàng. Cung điện kiểu lâu đài được xây dựng dọc theo ngọn núi. Bên trong cung điện, những đường hầm dưới lòng đất dẫn đến nhiều hướng khác nhau. Khu di tích này chiếm diện tích 720.000m2, bao gồm 445 phòng, 879 hang động, 4 đường hầm bí mật và 28 ngôi chùa Phật giáo. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Bao quanh khu tàn tích là tường thành với pháo đài ở 4 góc. Sau gần 400 năm bị phá hủy, những di tích còn tồn tại mang giá trị lịch sử và nghệ thuật của Guge có thể kể đến như Mandala Hall, Gongkang, tu viện Đỏ, tu viện Trắng, tu viện Samsara, Zhoimalhakang hay tường đá điêu khắc, tranh tường, các di vật cổ và xác ướp... (Ảnh: Tibetdiscoverytour).
Xung quanh khu vực tàn tích, người ta tìm thấy các di vật như dụng cụ sản xuất, quần áo, đồ trang trí, lá chắn và mũi tên. Chúng được bảo quản rất tốt trong không khí lạnh và khô của cao nguyên. Bên trong nhiều hang động, người ta thấy những thi thể không đầu đã trở thành xác ướp. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện xác một bé gái được chôn trong tường, hiện được đặt tại bảo tàng khu tự trị Tây Tạng. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Trung Quốc bắt gặp hình thức mai táng này. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Đá khắc là một trong những kho báu quý giá của vương quốc Guge. Bức tường thành gồm 4.502 phiến đá bầu dục điêu khắc hình ảnh và chữ Tây Tạng. Sau nhiều thế kỷ, hầu hết hình ảnh và chữ viết đã bị mờ hoặc phá hủy, nhưng vẫn giữ được nét nghệ thuật và ý nghĩa sâu sắc. (Ảnh: Chinatourguide).
Những bức tranh tường hàng trăm năm tuổi là kiệt tác của nghệ thuật Guge. Nội dung của chúng là mô tả về các câu chuyện Phật giáo, huyền thoại cũng như cuộc sống của người dân hay những nét văn hoá và phong tục khác nhau của vương quốc. (Ảnh: China Daily).