Trục trặc ở hệ thống định vị mà tàu quay quanh quỹ đạo MAVEN của NASA gặp phải đầu năm nay ngăn tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa.
Tàu vũ trụ MAVEN quay quanh sao Hỏa từ năm 2014, tiến vào chế độ an toàn hôm 22/2 khi các thiết bị đo quán tính quan trọng bắt đầu thể hiện "hành vi bất thường", theo thông báo hôm 18/5 của NASA. Ở chế độ an toàn, con tàu dừng tất cả hoạt động khoa học và chờ chuyên viên kiểm soát bay hướng dẫn phục hồi.
Tàu vũ trụ MAVEN trên quỹ đạo sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Trong nhiều tuần sau đó, NASA cố gắng hồi sinh MAVEN từ chế độ an toàn, nhưng với khả năng hạn chế. Tàu đang bay ở quỹ đạo ổn định với ăngten chính chĩa về phía Trái Đất để duy trì liên lạc tốc độ cao với đội kiểm soát bay.
Tuy nhiên, ở cấu hình này, MAVEN không thể tiến hành truyền tín hiệu liên lạc cho các tàu vũ trụ khác trên sao Hỏa và chỉ có thể thực hiện quan sát khoa học rất hạn chế. Nhóm phụ trách nhiệm vụ bắt đầu phục hồi thiết bị khoa học hôm 20/4. Trước đó, tàu MAVEN đóng vai trò truyền tín hiệu liên lạc cho robot tự hành Curiosity và Perseverance của NASA, giúp phát những hình ảnh và nghiên cứu mới nhất từ bề mặt sao Hỏa về Trái Đất.
Hệ thống đo quán tính (IMU) của tàu MAVEN dựa vào vòng laser con quay hồi chuyển chuyên phát hiện chuyển động quán tính của tàu vũ trụ, và 4 bánh đà phản lực sắp xếp theo hình kim tự tháp 4 cạnh và quay độc lập để tàu bay đúng hướng. MAVEN cũng trang bị 2 camera theo dõi sao có thể chụp ảnh những ngôi sao và đưa vào một thuật toán giúp tàu xác định hướng của nó trong không gian.
Theo NASA, tàu MAVEN vận hành ở chế độ an toàn cho tới hôm 19/4. Sau đó, chuyên viên kiểm soát bay chuyển tàu sang chế độ mang tên "all-stellar". Tất cả thiết bị khoa học của MAVEN hiện nay đều bật, nhưng không phải mọi thiết bị đều có thể thu thập dữ liệu trong lúc ăngten chính chỉ chĩa về phía Trái Đất. Nhóm phụ trách đang làm việc để kết thúc các kiểm tra đối với chế độ "all stellar", nhằm cho phép tàu vận hành theo các hướng khác trước khi khôi phục hoạt động khoa học và truyền tín hiệu.
NASA phóng tàu MAVEN (Mars Atmosphere and Volatile EvolutioN) vào tháng 11/2013 với chi phí 671 triệu USD và tàu đến sao Hỏa vào tháng 10/2014. Nhiệm vụ của tàu là nghiên cứu quá trình sao Hỏa mất đi nước bề mặt và trở thành thế giới khô cằn như ngày nay. Tháng trước, NASA gia hạn nhiệm vụ MAVEN thêm 3 năm nữa để con tàu tiếp tục nghiên cứu khoa học.