Các nhà khoa học Mỹ sau khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc cơ bắp vào chuột thí nghiệm trẻ tuổi bị tổn thương cơ đùi phát hiện cơ bắp chuột thí nghiệm đã hồi phục nhanh và mạnh mẽ hơn so với trước khi tổn thương.
Các tế bào gốc. (Ành minh họa: Internet)
Ngoài ra, việc cấy ghép trên còn giúp chuột thí nghiệm chống lại sự teo cơ bắp do lão hóa.
Giáo sư Bradley Olwen thuộc Đại học Colorado (Mỹ), phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết mặc dù hiện tại vẫn chưa phát hiện manh mối giải thích tại sao cơ bắp chuột thí nghiệm lại hồi phục một cách thần kỳ như vậy, tuy nhiên phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng giúp cung cấp phương pháp trong điều trị chứng teo cơ.
Tế bào gốc cơ bắp nằm giữa sợi cơ bắp và các tổ chức liên kết xung quanh, tác dụng chủ yếu là hồi phục và duy trì chức năng của cơ bắp.
Các nhà khoa học đã cấy tế bào gốc cơ bắp ở chuột thí nghiệm trẻ tuổi khỏe mạnh vào trong cơ thể của chuột thí nghiệm bị tổn thương cơ bắp. Kết quả phát hiện tế bào được cấy ghép đã giúp chuột thí nghiệm có thể chống lại quá trình lão hóa trong cơ bắp.
Cơ đùi của chuột thí nghiệm không những hồi phục chỉ sau vài ngày, chất lượng của cơ đùi còn tăng lên 50%, kích thước gia tăng 170%.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện khi cấy ghép tế bào gốc cơ bắp vào cơ thể chuột khỏe mạnh, chất lượng cơ bắp không có sự thay đổi. Theo các nhà khoa học môi trường cấy ghép tế bào gốc rất quan trọng, ở những môi trường khác nhau phương thức phản ứng của tế bào gốc cũng khác nhau.
Trước mắt các nhà khoa học đang tiến hành cấy ghép tế bào gốc của người hoặc động vật cỡ lớn vào chuột thí nghiệm để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp trên.