Thằn lằn to bằng con chó đe dọa miền nam nước Mỹ

Sâu trong vùng Everglades, thằn lằn tegu, loài bò sát phàm ăn với vảy đốm bắt mắt, nằm trong số những loài xâm hại gây lo ngại nhất nước Mỹ.

Thằn lằn tegu Argentina, một loài thằn lằn lớn màu trắng và đen có thể dài tới 1,2 mét, sinh sôi rộng khắp miền nam California. Chúng cũng xuất hiện khắp vùng đông nam nước Mỹ, có khả năng đe dọa các loài bản xứ và nông dân, theo National Geographic.


Thằn lằn tegu là loài ăn tạp phát triển nhanh ở miền nam nước Mỹ. (Ảnh: Outdoor Life)

Là động vật bản xứ ở Nam Mỹ, thằn lằn tegu là loài ăn tạp, sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì có giá trị dinh dưỡng mà chúng nhét vừa miệng. Chúng thường ăn trứng của động vật làm tổ trên mặt đất như chim và bò sát, bao gồm các loài rùa biển nguy cấp. Chúng cũng ăn thịt chim bồ câu và nhiều động vật nhỏ khác. Thằn lằn tegu còn ăn dâu tây cũng như rau củ mọc thấp. Chúng cực kỳ dẻo dai, khiến việc lan rộng khó kiểm soát hoặc giảm bớt sau khi loài vật định cư. Tuy nhiên, nỗ lực hạn chế số lượng thằn lằn tegu gần đây ở vùng Everglades và bang Georgia dường như có hiệu quả.

Thằn lằn tegu lan rộng ở Nam Florida trong hơn một thập kỷ sau khi thoát khỏi nơi nuôi nhốt hoặc được chủ nuôi thả vào tự nhiên. Chúng tràn sang ít nhất hai quận ở bang Georgia trong những năm gần đây. Loài vật cũng được ghi nhận ở 4 quận tại bang Nam Carolina và các nhà sinh vật học nghi ngờ chúng đang sinh sản. Để đối phó, bang Nam Carolina ban hành lệnh cấm nuôi thằn lằn tegu năm 2021. Năm 2021, bang Georgia cũng đưa ra luật điều phối việc sở hữu thằn lằn tegu. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện ở các bang Alabama, Louisiana, và Texas, đồng thời phát triển quần thể ở Trung Florida.

Một nghiên cứu năm 2018 do Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) tiến hành, sử dụng thông tin về thằn lằn tegu ở Nam Mỹ để dự đoán khả năng mở rộng của chúng ở Mỹ. Theo Amy Yackel Adams, nhà sinh vật học ở USGS, toàn bộ khu vực đông nam của Mỹ đang bị đe dọa do có khí hậu phù hợp với thằn lằn tegu. Tuy nhiên, chưa có ước tính chính thức về số lượng thằn lằn tegu sống ở Mỹ. Chúng hoạt động tốt nhất ở rừng vùng cao và đồng cỏ, đặc biệt là nơi có lượng mưa lớn theo mùa như rừng thông cận nhiệt đới và rừng gỗ cứng ở Florida. Do biến đổi khí hậu khiến vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới dịch chuyển về hướng bắc, phạm vi sinh sống phù hợp với thằn lằn tegu ở Bắc Mỹ sẽ rộng thêm.

Các nhà nghiên cứu lo ngại nhất về thói quen ăn trứng của thằn lằn tegu. Tại Venezuela, chúng nổi tiếng thường lẻn vào chuồng gà trộm trứng, do đó nông dân nuôi gia cầm ở Mỹ phải hết sức cảnh giác. Nếu thằn lằn tegu tiếp tục phân tán khắp vùng đông nam, chúng có thể đe dọa nhiều động vật làm tổ hoặc sống trên mặt đất như rắn indigo miền đông, nằm trong danh mục bị đe dọa. Chúng có thể ăn trứng của rùa gopher và cá sấu mõm ngắn Mỹ.

Thằn lằn tegu có sức sống bền bỉ, có thể chịu nhiệt độ lạnh tốt hơn một số loài bò sát khác do chúng có khả năng tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn 7 độ C so với nhiệt độ xung quanh. Nếu trời quá lạnh vào mùa đông, loài vật này sẽ trở nên uể oải và trốn trong chiếc hang cướp của rùa gopher hoặc động vật khác. Chúng cũng có thể phục hồi nhanh sau khi bị săn bắt.

Để ngăn chặn thằn lằn tegu lan rộng ở Mỹ, nhà chức trách đang tìm kiếm giải pháp. Chỉ riêng trong năm 2020 ở Nam Florida, bẫy do USGS lắp bắt được hơn 900 con thằn lằn tegu gần vườn quốc gia Everglades. Theo dữ liệu của USGS, nỗ lực tiêu diệt loài vật bắt đầu có hiệu quả. Quần thể thằn lằn tegu ở trung tâm Everglades giảm chậm nhưng ổn định. Tại bang Georgia, các nhà sinh vật học cũng đang đặt bẫy tại các quận Toombs và Tattnall, và nhận thấy số lượng thằn lằn tegu trở nên ít hơn.

Cập nhật: 13/11/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video