Thịt cá làm từ... cỏ

Vài chục năm nữa, món thịt bò bạn dùng trong bữa sáng có thể được tạo ra từ... cỏ. Nhiều thực phẩm khác bạn ăn cũng có thể được làm từ dầu mỏ hoặc vi sinh vật. 

Protein là loại dưỡng chất quan trọng bậc nhất đối với sự sống con người. Nguồn cung cấp protein chủ yếu là các sản phẩm của ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp đã làm cho đất đai và nhân lực dành cho nông nghiệp bị thu hẹp. Nhân loại đang lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng protein động vật. Hằng năm, mức thiếu hụt ở vào khoảng 80 triệu tấn.

Trong tương lai, bữa sáng ngon lành này có thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm. (Ảnh: Johnnyjet)

Đã đến lúc loài người không thể giải quyết vấn đề này bằng các nguồn giàu protein cổ truyền như đậu đỗ, thịt, cá, trứng, sữa... mà phải tìm kiếm các nguồn mới. Tuy nhiên, công việc tổng hợp protein từ các thành phần hóa học quả không dễ dàng gì. Các axit amin là những “viên gạch đặc biệt” tạo nên phân tử protein. Khi kết hợp 20 loại axit amin, có thể tạo được hơn 2,5 tỷ tỷ dạng phân tử; mỗi dạng có cấu trúc không gian riêng rẽ, chẳng hạn dạng mạch xoắn thành cục. Xác định được mạch xoắn kiểu như thế nào đã phức tạp, tái tạo lại càng khó khăn hơn nhiều.

Các nhà khoa học đã chuyển sang con đường sinh tổng hợp protein nhờ vi sinh vật, bởi chúng sinh trưởng nhanh và thành phần axit amin trong tế bào rất phong phú. Muốn có 1 tấn protein, phải trồng 4 hecta đậu tương trong 3 tháng; hoặc nuôi 40 con bò trong 15-18 tháng, nhưng với vi sinh vật thì chỉ cần một bể dung tích 300 m3, nuôi trong 24 giờ. Với nguyên liệu là 10 kg lúa mạch, có thể tạo ra lượng protein tương đương 2.000 con bò (mỗi con nặng 500 kg).

Năm 1962, các nhà khoa học còn phát minh ra phương pháp sản xuất protein từ dầu mỏ. Khoảng 20 năm gần đây, thế giới đặc biệt sôi động về việc dùng các sản phẩm dầu mỏ để nuôi cấy vi sinh vật nhằm thu protein. Một số nước đã xây dựng nhà máy sản xuất sinh khối vi sinh vật mà sản phẩm chiếm tới 60-70% protein.

Protein thu được qua vi sinh vật nuôi cấy bằng dầu mỏ có chất lượng rất tốt, có thể coi là một loại protein - vitamin đậm đặc. Chúng rất giàu vitamin nhóm B và ecgosterin (tiền vitamin D2), đặc biệt là không mang mùi vị gì của nguyên liệu, không có độc tố.

Từ hơn 100 năm trước, nhà hóa học Alexander Butlerov (Nga) đã làm ra đường nhân tạo. 30 năm sau đó, nhà bác học Emil Fischer (Đức) tổng hợp được glucose. Cuối thế kỷ 19, trên cơ sở glycerin và các axit béo, nhà hóa học người Pháp Marcellin Berthelot chế được mỡ nhân tạo.

Các thực phẩm nhân tạo hoàn hảo ra đời

Nhà hóa học Alexander Butlerov (Nga) - (Ảnh: Euchems)

Năm 1954, người ta đã tạo được sợi từ protein thực vật. Tấm sợi đó được nhào với chất kết dính, sau đó được nhúng vào mỡ nóng chảy rồi nhuộm phẩm màu. Sản phẩm cuối cùng trông giống như một tảng thịt. Đây có thể được coi là tảng thịt nhân tạo đầu tiên.

Sợi protein thực vật có thể bảo quản được lâu, thậm chí không cần dùng tủ lạnh. Nó có thể chế biến thành đủ loại thịt bò, thịt cừu hay gà, thậm chí cả cá hồi, thịt cua bằng cách thay đổi các thông số hóa lý của sợi và mức độ kéo dài chúng.

Còn mùi vị thì sao? Vị của thực phẩm nhân tạo có thể giải quyết bằng cách dùng mì chính và một số nucleotit. Về mùi thì phức tạp hơn, phải phân tích tổ hợp chất thơm bay hơi của thực phẩm tự nhiên, rồi qua “khuôn vàng, thước ngọc” đó mà tạo hương. Với tiến bộ khoa học kỹ thuật, rồi đây thịt cá nhân tạo không những có hình dáng giống như thật mà hương vị cũng rất thơm ngon.

Cũng có một cách khác để chế tạo những tảng thịt: Đầu tiên là gieo trồng cỏ đã được biến đổi gene sao cho chúng chứa đầy đủ các protein, khoáng vi lượng và vitamin cần thiết. Cỏ này được nghiền nát, ngâm, ủ với một số chất hóa học có tác dụng tiêu hóa xenlulo nhằm tạo thành một thứ “cháo lỏng” đầy chất dinh dưỡng. Kế đó, người ta cấy tế bào của mỗi loại thịt vào cháo này các chất kích thích để chúng tự do phát triển. Sản phẩm cuối là những tảng thịt bò hoặc thịt cừu tươi nguyên, sạch sẽ.

Qua một thời gian dài thử nghiệm, một số thực phẩm nhân tạo đã bắt đầu được tiếp nhận. Đầu những năm 1970, hãng Kurto (Anh) đã tổ chức một cuộc thử nghiệm, trong đó rất nhiều người được đề nghị nếm thử để phân biệt thịt gà nhân tạo và thịt gà tự nhiên. Đa số không thể nhận ra "đồ giả" của hãng, được làm từ sản phẩm protein “kesp” (chế bằng đậu đỗ).

Ở một số nước, người ta bán kesp dưới dạng bán thành phẩm, kèm gia vị tạo mùi. Người mua tùy chọn và tự chế biến món ăn của mình, thích thịt gà thì chế thành thịt gà, không thì chế thành thịt lợn, thịt bò tùy ý.

Đến giữa những năm 1970, hãng Nordington của Mỹ đưa ra thị trường 30 loại thực phẩm nhân tạo trong đó có chim hộp, cá, giò hun khói... Ở Nhật cũng có đến trên 30 hãng nghiên cứu thức ăn nhân tạo. Nhiều viện nghiên cứu ở Matxcơva, St. Petersburg của Nga cũng đã có những thành công lớn trên con đường tìm kiếm nguồn thực phẩm này, trong đó phải kể đến món trứng cá nhân tạo nổi tiếng thế giới.

Giờ đây, tuy thói quen và cả cơ thể con người vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận thức ăn nhân tạo nhưng với đà tăng dân số như hiện nay, nguồn thức ăn tổng hợp từ phòng thí nghiệm có thể sẽ là cứu tinh cho loài người.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video