Dưới 2 giờ kể từ khi có triệu chứng đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp là thời điểm tốt nhất để cứu người bị nhồi máu cơ tim cấp.
"Thời gian vàng" để cứu người bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tử vong cao. Theo phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống. Theo nghiên cứu mới nhất trên thế giới, từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp động mạch vành dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất.
Chỉ có gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng thời gian là 2 giờ.
Thống kê tại Viện Tim mạch quốc (Hà Nội) gia cho thấy thực trạng đáng buồn là chỉ có gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” trên. Số người đến bệnh viện trước 12 giờ khoảng 40%; còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại những di chứng nặng nề.
“Can thiệp tim mạch sớm, nong thông động mạch vành là khuyến cáo hàng đầu, vì nó cứu sống bệnh nhân. Thời gian từ khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim đau ngực đến khi nhập viện nếu sau 12 giờ được xem là quá muộn. Can thiệp muộn thì cơ tim chết, bệnh nhân có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút”, phó giáo sư Hùng nói.
Biểu hiện chủ yếu của bệnh là cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút, có thể kèm theo vã mồ hôi, khó thở mệt nhiều. Ngoài ra một số trường hợp không có hoặc ít cảm giác đau (nhồi máu cơ tim thầm lặng)...
Khi cơn đau ngực như mô tả, người bệnh cần ngưng ngay hoạt động và công việc đang làm, nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh mạch vành từ trước. Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, đặc biệt khi đã ngậm nitroglycerine dưới lưỡi, thì cần đưa đi cấp cứu ngay.
Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim
Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, các nhóm có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim là:
- Những người có người nhà mắc bệnh tim mạch;
- Người lớn tuổi (đàn ông trên 45 tuổi, phụ nữ trên 55 tuổi) có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn;
- Những người có thói quen hút thuốc lá (thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim);
- Người mắc các bệnh lý như tăng huyết áp; béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; đái tháo đường
- Những người có lối sống ít vận động thể lực.
- Ngoài ra chuyên gia lưu ý thêm rằng nam giới có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn với nữ giới.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan tới bệnh. Ví dụ như:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào và thuốc lá điện tử.
- Tránh xa khói thuốc lá.
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng; tăng cường rau xanh, hoa quả, cá; hạn chế ăn quá nhiều muối, đường bổ sung, mỡ và nội tạng động vật.
- Giảm căng thẳng.
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu, acid uric…
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Đã có thuốc trị nhồi máu cơ tim và đột quỵ