Ủy viên Hội đồng Khu vực Bathurst phát hiện thú lông nhím bạch tạng lang thang quanh thành phố và đặt tên là Raffie theo tên món kẹo dừa Raffaello.
"Thú lông nhím mỏ ngắn (Tachyglossus aculeatus) rất nhút nhát và khó bắt gặp. Việc trông thấy thú lông nhím mỏ ngắn bạch tạng cực kỳ hiếm", đại diện Hội đồng Khu vực Bathurst nói với Newsweek hôm 5/5. Bệnh bạch tạng khiến cơ thể con vật không sản xuất sắc tố melanin, do đó mang màu lông trắng khác thường.
Thú lông nhím mỏ ngắn Raffie ở thành phố Bathurst có bộ lông trắng do mắc bạch tạng. (Ảnh: Hội đồng Khu vực Bathurst).
Thú lông nhím mỏ ngắn phân bố rộng khắp Australia. Tuy nhiên, người ta hiếm khi nhìn thấy chúng ngoài tự nhiên do lối sống ẩn dật. Theo Bảo tàng Australia, loài vật này khá dễ nhận biết nhờ những chiếc gai sắc nhọn, chân ngắn và phần mõm đặc trưng.
"Những chiếc gai của chúng đóng vai trò như một tuyến phòng thủ trước động vật săn mồi. Khi đối mặt với kẻ săn mồi, chúng sẽ cuộn tròn thành quả bóng, chĩa gai nhọn ra ngoài, hoặc di chuyển và chui xuống đất để đảm bảo an toàn", đại diện Hội đồng Khu vực Bathurst cho biết.
Thú mỏ vịt và thú lông nhím là những động vật có vú hiếm hoi đẻ trứng. Khoảng một tháng sau khi giao phối, thú lông nhím cái sẽ đẻ một quả trứng vỏ mềm vào túi của mình. Trứng sẽ nở sau khoảng 10 ngày.
Thú lông nhím mỏ ngắn đóng vai trò quan trọng trong môi trường địa phương và thường được gọi là "kỹ sư hệ sinh thái"."Chúng dành nhiều thời gian để đào xới, dịch chuyển đất để tìm con mồi như mối và kiến. Việc này giúp cải thiện chất lượng đất nhờ đảo lộn và trộn các chất hữu cơ. Chúng phá vỡ đất cứng, giúp cây con có thể mọc xuyên qua, đồng thời nâng cao khả năng lọc nước, làm tăng độ ẩm của đất", đại diện Hội đồng Khu vực Bathurst giải thích.
Thú lông nhím mỏ ngắn cũng giúp nấm mycorrhiza lan rộng. Điều này rất quan trọng với sức khỏe thực vật và tính đa dạng sinh học vì nấm mycorrhiza giúp thực vật bản địa tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất từ những vùng đất nghèo dinh dưỡng ở Australia.