Thuốc mới trị cao huyết áp: Chỉ cần tiêm vài lần

Không cần phải uống thuốc liên tục suốt đời nữa... Chỉ cần tiêm một đợt thuốc gồm 3 liều, tác dụng từ 6 - 12 tháng để kiểm soát bệnh cao huyết áp. Thêm một thành tựu mới nữa của ngành công nghiệp dược trên thế giới.

Các nhà khoa học Anh vừa cho ra đời một loại vắc-xin điều trị huyết áp cao. Vắc-xin này có rất ít tác dụng phụ so với thuốc viên và bệnh nhân chỉ cần tiêm 6 tháng 1 lần sau đợt tiêm đầu tiên.

Công ty Dược phẩm Protherics ở Cheshire, Tây Bắc England, đã thử nghiệm thành công loại vắc-xin này trên con người và đang có kế hoạch thử nghiệm rộng rãi hơn với công thức mới được cải tiến để nâng cao hiệu quả điều trị.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm để tăng tác dụng kích thích hệ miễn dịch của vắc-xin lên gấp 10 lần so với hiện nay. (Ảnh: London/Red Feature)

Nhóm nghiên cứu cho biết thuốc tiêm này sử dụng một loại protein có trong con sao sao (một loài động vật có vỏ), có tác dụng ức chế chất angiotensin, một chất nội tiết do gan sản xuất. Khi hoạt động quá mạnh, chất này sẽ làm hẹp các động mạch và đẩy huyết áp tăng lên.

Khi được tiêm vào cơ thể, vắc-xin này sẽ huy động hệ miễn dịch chống lại chất nội tiết nói trên và giúp cơ thể bệnh nhân kiểm soát huyết áp một cách dễ dàng hơn.

Khi mới bắt đầu được điều trị bằng vắc-xin này, bệnh nhân sẽ được tiêm đợt đầu tiên gồm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần hoặc nửa tháng. Và cứ mỗi 6 tháng sau đó, thậm chí 1 năm, mới phải tiêm bổ sung. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc-xin này mang lại hiệu quả cao và có rất ít tác dụng phụ, với khoảng 10% bệnh nhân có các triệu chứng thoáng qua giống như bị cúm nhẹ và không kéo dài.

Theo các chuyên gia, huyết áp cao làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong vì các bệnh tim và đột quỵ, và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 60.000 người ở Anh mỗi năm.

Từ trước đến nay, những người bị huyết áp cao phải lệ thuộc vào các loại thuốc viên thường gây ra những phản ứng phụ. Chẳng hạn như thuốc “Beta blockers” (thuốc chẹn thụ thể beta) có thể làm cho bệnh nhân mệt mỏi, lạnh tay chân, tiêu chảy, và bất lực (ở nam giới). Những triệu chứng này có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ.

Ông Andrew Heath, một chuyên gia của Protherics, phát biểu: “Sự ra đời của vắc-xin này sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ tốt hơn kế hoạch điều trị, và hơn nữa, góp phần quan trọng vào việc tránh những biến chứng đe dọa sinh mạng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim."

Sáu tháng, thậm chí 1 năm, sau đợt tiêm đầu tiên, bệnh nhân mới cần được tiêm bổ sung. (Ảnh: London/Getty)

Hy vọng đưa sản phẩm này ra thị trường trong vòng 5 năm tới, Protherics đang chuẩn bị thực hiện những cuộc thử nghiệm mới để làm tăng tác dụng kích thích hệ miễn dịch của vắc-xin lên gấp 10 lần so với công thức bào chế ban đầu.

Giáo sư Graham MacGregor của Hiệp hội Huyết áp cao Anh nói: “Cao huyết áp là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột quỵ và bệnh tim ở Anh”. Vì thế, ông hết sức hoan nghênh những kết quả khả quan thu được từ các cuộc thử nghiệm vắc-xin này.

Ông nhấn mạnh: “Nếu bạn phải uống thuốc viên chống cao huyết áp thì bạn phải uống suốt đời, và đó là điều khó thực hiện đối với một số người. Do đó, việc tìm ra những liệu pháp mới và hiệu quả hơn để làm hạ huyết áp mà hầu như không có tác dụng phụ là một thành công to lớn rất đáng hoan nghênh”.

Tiến sĩ Mike Knapton, thuộc Viện Tim Anh, phát biểu: “Hơn 20% trường hợp mắc bệnh tim ở Tây Âu xuất phát từ tiền sử cao huyết áp. Sự ra đời của vắc-xin này là một hướng đi đúng đắn nhưng cần tiếp tục được nghiên cứu thêm”.

Hiện chưa rõ chi phí sản xuất vắc-xin này có cao hay không, nhưng các chuyên gia tin rằng khi được bán ra thị trường, nó sẽ không đắt hơn nhiều so với các loại thuốc viên làm giảm huyết áp hiện nay.

Quang Thịnh

Theo AFP, This is London, Best Syndication, VNN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video