Tiêm mũi hai chậm hơn khuyến cáo có bị giảm hiệu quả vaccine Covid-19?

Khoảng cách giữa hai mũi vaccine phòng Covid-19 nên theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu mũi hai chậm hơn khuyến cáo cũng không làm giảm hiệu quả của vaccine.

Cụ thể:

  • Khoảng cách giữa hai mũi vaccine AstraZeneca là tối thiểu 4 tuần, tốt nhất 8-12 tuần.
  • Hai mũi vaccine Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần.
  • Vaccine Pfizer là hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần.
  • Hai mũi vaccine Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, những người đã tiêm mũi một loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vaccine cùng loại. Người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna được chỉ định tiêm hai mũi cùng loại. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm trộn mũi hai là vaccine Pfizer. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần.

Nhiều người đang lo lắng sẽ phải tiêm lại từ đầu vì bị quá thời hạn tiêm mũi vaccine thứ hai. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết: "Đến nay vẫn chưa có khuyến cáo tiêm lại từ đầu và việc tiêm trễ không làm giảm hiệu quả của vaccine".

Bác sĩ lý giải, một nghiên cứu chuyên sâu thực hiện tại Anh về khoảng cách giữa hai mũi của vaccine Pfizer đã tạo ra đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể và đáp ứng của tế bào lympho T. Đây là tế bào rất quan trọng đối với trí nhớ miễn dịch dài hạn và giúp tạo ra kháng thể.

Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 500 nhân viên y tế, đánh giá mức độ kháng thể và lượng tế bào T sau hai liều vaccine Pfizer với khoảng cách thời gian giữa hai mũi ngắn (3-4 tuần, trung bình 24 ngày) và dài (6-14 tuần, trung bình 70 ngày).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nhóm có khoảng cách tiêm dài, nồng độ kháng thể giảm đáng kể giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Đặc biệt, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta tạo ra kém hơn sau khi dùng một liều duy nhất và không được duy trì trong khoảng thời gian trước liều thứ hai.

Tuy nhiên, tế bào T được duy trì tốt giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Sau hai liều vaccine, nồng độ kháng thể trung hòa cao gấp đôi. Khoảng thời gian tiêm hai mũi vaccine dài hơn dẫn đến mức kháng thể trung hòa cao hơn sau liều thứ hai, giúp cơ thể chống lại biến thể Delta và các biến thể khác.

"Bất kể lịch tiêm vaccine như thế nào, nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể và tế bào T thay đổi đáng kể ở mỗi cá nhân. Kết quả còn phụ thuộc vào di truyền, tình trạng sức khỏe cơ bản và quá khứ từng tiếp xúc với Covid-19 và các loại virus khác hay không", bác sĩ Minh nói.


Nhân viên y tế tiêm vaccine Vero Cell cho người dân phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, ngày 15/8. (Ảnh: Thành Nguyễn)

Theo bác sĩ Minh, hiện chưa có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ hay các Ủy ban Tiêm chủng của các quốc gia về việc tiêm thêm một mũi nhắc lại (booster) sau khi hoàn tất lịch tiêm tiêu chuẩn với hai mũi vaccine.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 6-12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm vaccine. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 và nguồn lực vaccine còn nhiều hạn chế, vaccine vẫn được khuyến nghị theo đúng lịch tiêm tiêu chuẩn. WHO sẽ cân nhắc xem xét việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba cho nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu, gồm những người được ghép nội tạng, người đang điều trị ung thư, bệnh bạch cầu, người nhiễm HIV...

Những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, tùy theo quy định từng quốc gia và địa phương, có thể tham gia nhiều hoạt động mà bạn đã làm như trước đại dịch. Tuy nhiên, khi miễn dịch cộng đồng chưa đạt được và để tối đa khả năng bảo vệ cơ thể khỏi biến thể Delta cũng như ngăn chặn việc lây lan virus cho người khác, bác sĩ Minh khuyến cáo người dân vẫn nên tuân thủ 5K ở nơi công cộng, nếu đang ở trong khu vực có khả năng lây nhiễm virus.

Cập nhật: 19/08/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video