Chuyên gia thuộc Tổng hội địa chất VN cho rằng những tiếng nổ lớn trong lòng đất vùng hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) có thể do dung nham núi lửa xâm nhập vào hang, ổ cột rỗng đầy nước trong lòng đất.
>>> Nổ bất thường ở quảng nam do động đất
Trước hiện tượng lòng đất vùng hạ lưu công trình thủy điện sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tiếp phát ra tiếng nổ, các nhà khoa học đã mổ xẻ nguyên nhân.
Tiến sĩ địa chất Lê Huy Y, Tổng hội địa chất Việt Nam, cho rằng, các dòng dung nham núi lửa ngầm có thể xâm nhập vào hang, ổ, cột rỗng đầy nước trong lòng đất làm phát ra những tiếng nổ lớn và gây ra động đất. Theo ông, từ hiện tượng này có thể thấy vùng địa chất huyện Trà My đang có sự hoạt động kiến tạo trở lại của các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ.
Liên tiếp những tiếng nổ lớn từ lòng đất khiến người dân vùng hạ lưu công trình thủy
điện sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) luôn sống trong cảnh phập
phồng lo lắng, mất ăn, mất ngủ.
Tiến sĩ Y đề xuất các cơ quan chức năng và địa phương nên kiểm tra, khảo sát kỹ để đánh giá chính xác, đầy đủ mọi đứt gãy kiến tạo, các giao điểm đứt gãy và họng núi lửa cổ phân bố ở vùng xung quanh thân đập chắn nước Sông Tranh 2. Hiện tại các đứt gãy của vùng Trà My vẽ trên bản đồ địa chất còn thiếu rất nhiều. Nếu có tâm chấn gần thân đập thì sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng cho cư dân phía dưới vùng hạ lưu công trình thủy điện sông Tranh 2.
Trao đổi với PV, giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều, chuyên gia Viện vật lý địa cầu khẳng định dư chấn ở vùng hạ lưu Bắc Trà My thời gian qua đều dưới 3,5 độ richter, thuộc dạng động đất kích thích nên chưa thể gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân trong vùng. Viện vật lý địa cầu đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát diễn biến động đất ở địa phương này.
Theo ông Triều, dựa vào bản vẽ địa chất đã đo đạc được ở huyện Bắc Trà My thì đới đứt gãy tại địa phương này đang hoạt động khá mạnh. Do đó với hiện tượng lòng đất liên tiếp phát nổ trong thời gian dài vừa qua, tỉnh Quảng Nam nên sớm đề xuất các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh khi có bất trắc xảy ra. "Đừng để lúc "nước đến chân mới nhảy' thì e không kịp", ông Triều nhấn mạnh.
Hồ chứa nước công trình thủy điện sông Tranh 2 được các chuyên gia cho là thủ
phạm chính gây ra hiện tượng bất thường lòng đất ở huyện Bắc Trà My. (Ảnh: Trí Tín)
Năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng, phân vùng cảnh báo chi tiết nguy cơ, đề xuất các giải pháp phòng tránh tai biến nứt đất, trượt lở đất làm cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”. Đề tài do tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Viện địa chất chủ trì.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tai biến nứt và trượt lở đất ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng tăng nhanh. Các nhà khoa học đã khoanh vùng sơ đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên địa bàn tỉnh với 5 cấp nguy hiểm. Trong đó, vùng có nguy cơ trượt lở đất rất cao gồm 7 huyện, riêng Bắc Trà My nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm trượt lở đất thuộc nhóm cao nhất.
Các chuyên gia từng khuyến cáo tỉnh Quảng Nam nên theo dõi, dự báo, cảnh báo tai biến địa chất đã và đang xảy ra, có nguy cơ xảy ra; quản lý quy hoạch, con người để giảm thiểu rủi ro về người và tài sản.
Trước đó 2h sáng 23/11, người dân các xã Trà Tân, Trà Sơn và thị trấn Trà My lần thứ 5 trong vòng vài tháng qua ghi nhận có tiếng nổ lớn trong lòng đất làm rung chuyển nhà cửa. Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn về xác minh, kiểm tra hiện tượng này. Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở cho biết đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ mời chuyên gia về theo dõi, nghiên cứu, tìm nguyên nhân lòng đất rung chuyển, phát ra tiếng nổ.