Một mẫu vật từ thời khủng long khiến giới khoa học choáng váng khi cho thấy 1 ngày vào cuối kỷ Phấn Trắng chỉ dài 23 giờ rưỡi, do Trái đất đã quay nhanh hơn tốc độ hiện nay
Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi tiến sĩ Niels de Winter ở Đại học Vrije Brussel (Bỉ) đã phân tích hóa thạch loài nhuyễn thể cổ đại mang tên Torreites sanchezi, có vỏ khá giống những con ngao thời hiện đại. Chính phần vỏ hóa thạch, với những vòng tăng trưởng khá giống cây cối nhưng nhỏ hơn nhiều, đã tiết lộ khi chúng còn sống, một năm dài tới… 372 ngày.
Hóa thạch sinh vật 70 triệu tuổi cho thấy Trái đất từng một thời quay nhanh hơn bây giờ, 1 ngày chỉ 23,5 giờ! - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Nhưng tốc độ Trái đất quay quanh Mặt trời vẫn thế, điều đó có nghĩa một năm không dài hơn, mà là một ngày ngắn hơn, chỉ còn khoảng 23,5 giờ thay vì 24 giờ như ngày nay. Vẫn chưa rõ Trái đất đã bất ngờ quay nhanh hơn vào thời kỳ ấy hay nó vốn quay nhanh như thế hoặc hơn thế trước khi đạt tốc độ ổn định 24 giờ/ngày – 365 ngày/năm như hiện nay.
Theo tiến sĩ de Winter, một nhà địa hóa học, các bằng chứng còn tiết lộ tuổi đời của sinh vật bày: 70 triệu năm, tức cuối kỷ Phấn Trắng, thời kỳ bùng nổ của loài khủng long trước khi bị tuyệt diệt do thiên thạch vào 66 triệu năm trước.
Chiếc vỏ kỳ diệu cũng cho thấy nhiệt độ đại dương thời ấy rất ấm, 40 độ C vào mùa hè và hơn 30 độ C trong mùa đông. Sinh vật ấy đã được tìm thấy một cách lẻ loi ở một vùng biển nhiệt đới nông thuộc địa phận Omani ngày nay, và đã có tuổi thọ lên đến 9 năm.
Vào thời kỳ đó, loài này và các loài nhuyễn thể tương tự đã thống trị vị trí của các rạn san hô ngày nay, trước khi biến mất với khủng long trong vụ va chạm thiên thạch.
Để "đọc" được những thông tin đáng kinh ngạc này, các nhà khoa học đã chiếu tia laser vào các mảnh vỏ hóa thạch, tạo ra các lỗ có đường kính chỉ 10 micrometers, tương đương… 1 tế bào hồng cầu, rồi phân tích các vòng tăng trưởng cũng như các nguyên tố vi lượng bên trong chúng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Paleoceanography and Paleoclimatology.