Mối nguy từ sinh vật lạ xâm lấn

  •  
  • 1.425

Ðiều tra của Bộ Thủy sản cho thấy, trong 50 năm qua Việt Nam đã nhập 41 loài động vật thủy sinh lạ. Việc nhập nội các loài động vật thủy sinh lạ đã có biểu hiện gây ra một số ảnh hưởng bất lợi đối với đa dạng sinh học trong các thủy vực.

Ðến nay, Việt Nam đã cấm nuôi ba loài là chuột hải ly, ốc bươu vàng, cá hổ. Có tới bảy loài cần phải được theo dõi nghiêm ngặt do tác hại đối với cân bằng sinh thái.

Ban đầu, các loài sinh vật lạ trên thường được nhập với mục đích phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hầu hết thủy sinh lạ là cá. Ngoài ra, có bốn loài thuộc động vật không xương sống, một loài lưỡng cư, một loài bò sát và một loài thú. Một số loài thủy sinh lạ sau khi vào Việt Nam có giá trị kinh tế cao, điển hình là cá rô phi, cá chép, cá tỳ bà, cá chim trắng. Một số loài khác đã nhập nhưng nay không còn gặp hoặc rất ít gặp ở Việt Nam là cá tầm Trung Hoa, cá học, cá vược Mỹ miệng bé, cá nheo Âu, cá chình Âu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do không thích nghi được.

Ðiều tra cho thấy, đồng bằng Bắc Bộ là nơi có nhiều loài thủy sinh lạ nhất, với 34 loài. Tuy nhiên, do chưa kiểm định kỹ, nên sau một thời gian, khá nhiều sinh vật lạ đã chứng tỏ là loài xâm hại với khả năng phát tán nhanh, cạnh tranh nơi cư trú và thức ăn với loài bản địa, phá hoại mùa màng, làm mất cân bằng sinh thái. Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản khi điều tra thực tế 13 loài động vật thủy sinh lạ tại sáu vùng nông nghiệp đã nhận thấy việc nhập nội một số sinh vật lạ vào nuôi ở Việt Nam đã làm suy thoái đa dạng sinh học ở nước ta.

Ốc bươu vàng và cá hổ là những loài sinh vật lạ được nhập vào Việt Nam trước đây

Một số loài bản địa trở nên khan hiếm do khả năng cạnh tranh thức ăn và nơi ở kém hơn các loài nhập nội như cá mè trắng Việt Nam, cá trôi Việt, cá chép Việt. Một số loài bản địa, chẳng hạn cá trê đã có biểu hiện bị lai tạp.

Một vài loài sinh vật lạ xâm hại vào nước ta đã sinh sôi trên diện rộng, đến mức không thể tiêu diệt chúng triệt để, mà chỉ có thể kiểm soát và hạn chế phần nào. Ðiển hình trong số sinh vật lạ xâm hại ở Việt Nam là nạn dịch ốc bươu vàng. Ðây là loài được nhập khẩu vào nước ta trong khoảng hơn 10 năm nay, với khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lá lúa nên đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đang phát triển dần ra các tỉnh miền trung, miền bắc. Ðến nay, ốc bươu vàng đã gây nguy hại lớn trong hệ sinh thái đồng ruộng, ao hồ của một số tỉnh phía nam, và tiêu diệt chúng triệt để là không dễ dàng, dù đã phải tiêu tốn hàng tỷ đồng.

Năm 1996, đã phát hiện tư thương nhập một loại côn trùng để làm thức ăn cho chim cảnh, đó là loài Tenebrio monitor. Loài côn trùng này gây hại cho nhiều loại sản phẩm nông nghiệp nên ngay lập tức đã bị cấm nhập. Vào những năm 1996 đến 1998, trên thị trường cá cảnh xuất hiện loại cá hổ pirana, hay còn gọi là cá kim cương, cá răng - tên khoa học là Serralmus nattereri. Ðây là loài cá có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon (Nam Mỹ), thuộc loài ăn thịt, hung dữ. Nếu loài này lọt ra sống trong môi trường tự nhiên chúng sẽ tiêu diệt hết các động vật thủy sinh, khi đó khó lường hết những thiệt hại về kinh tế thủy sản, đồng thời cũng gây nguy hiểm cho con người. Nhiều nước đã có quy định nghiêm ngặt đối với việc nhập loài cá này. Bộ Thủy sản đã phải có chỉ thị nghiêm cấm nhập khẩu, phát triển loài cá này.

Mới đây nhất là bài học về việc nhập và nuôi thử chuột hải ly Nam Mỹ. Ðây là loài gặm nhấm lớn, sinh sản rất nhanh, có thể đào hang và phá hủy bờ sông, đê điều và hệ thống thủy lợi. Do kịp thời phát hiện tác hại tiềm tàng của chúng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định tiêu hủy toàn bộ số chuột hải ly nuôi thử nghiệm trong cả nước.

Rồi sáo đá xanh, loài chim phàm ăn, xơi hầu như mọi thứ và làm giảm đáng kể các loài côn trùng bản địa, các loài đặc hữu, phá hoại mùa màng. Chúng từng xuất hiện ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, trừ khử nhiều loài chim bản địa, chiếm cứ nơi làm tổ và gây nguy cơ biến đổi đa dạng sinh học.

Tương tự như vậy, bèo Nhật Bản (bèo lục bình) nhập khẩu vào Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước theo đường biển, hiện đã lan tràn hầu hết các ao hồ nước ngọt của ta, gây suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, rừng tràm U Minh hiện cũng đang phải đối mặt với sự phát triển tràn lan loài cây trinh nữ (cây Mai dương) có nguồn gốc nhiệt đới châu Mỹ. Loài cây này xâm lấn các vùng đất nông nghiệp, thảm thực vật, gây hại đặc biệt cho ruộng lúa và vùng đầm lầy.

Ở Vườn quốc gia Tràm Chim, Mai dương đã xâm nhập hai tiểu khu A4 và A5, là khu vực bãi cỏ năn rộng lớn, nơi cung cấp thức ăn quan trọng nhất cho sếu đầu đỏ. Ðây là một trong những lý do để đàn sếu của vườn quốc gia này ngày càng suy giảm. Các khu vực khác của vườn cũng đã xuất hiện nhiều cây Mai dương. Ở Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Bàu Chim rộng khoảng 100 ha đã bị Mai dương phủ kín.

Mỗi năm Vườn quốc gia phải đầu tư từ 50 đến 100 triệu đồng để tiêu diệt Mai dương, nhưng không có kết quả vì hằng năm trong mùa lũ, dòng sông Ðồng Nai lại mang hàng triệu hạt từ các cánh đồng Mai dương mênh mông của huyện Cát Tiên, trên thượng lưu, lại theo dòng sông Ðồng Nai tràn vào các bàu nước của Vườn quốc gia Cát Tiên như Bàu Chim, Bàu Cá.

Hiện nay nhiều hồ chứa nước như hồ Trị An, hồ Ðồng Mô - Ngải Sơn... cũng đang bị cây Mai dương xâm lấn và gây ảnh hưởng đến chức năng cung cấp nước và phục vụ du lịch của các hồ.

Qua Ðèo Ngang (Quảng Bình) bây giờ ai nấy trông thấy những cây hoa ngũ sắc không phải bản địa mọc dày đặc. Thuộc họ cỏ roi ngựa hay họ cúc, thứ cây thích nghi và phát triển rất nhanh như cỏ dại từ chỗ chỉ làm cảnh đến chỗ bung ra môi trường hoang dại làm vui mắt lữ khách. Rồi keo giậu, loài cây không gai mọc thành bụi rậm và có khả năng cạnh tranh với tất cả các loài khác.

Nước ta hiện có sáu trong số 14 loài động vật có mối đe dọa lớn như lợn rừng, chuột rừng, chuột nhắt, cáo, khỉ đuôi dài, cầy móc cua. Việc buông lơi quản lý và thống kê sinh vật lạ ở nước ta, vì thế, cũng là mối lo của thế giới. Sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập còn ở mức độ chưa lớn, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu hạn chế, ngăn cấm việc nhập khẩu, nuôi, tiến tới tiêu diệt chúng.

Bên cạnh khuyến khích thuần hóa nuôi các loài địa phương và quản lý chặt chẽ các loài nhập nuôi tại các cơ sở nuôi, không nên thả các loài nhập nội chưa nghiên cứu kỹ đặc tính sinh vật học, các tác động đến đa dạng sinh học và nghề nuôi trồng truyền thống nuôi ở các nguồn nước tự nhiên.

Theo Nhân dân
  • 1.425