Tìm được lời giải vì sao H5N1 gây tử vong cao ở người

Cơ chế gây tử vong của virus cúm gà cũng giống như của bệnh cúm gây đại dịch toàn cầu năm 1918, đó là "nhấn chìm" bệnh nhân trong lượng dịch lớn sản sinh tại phổi - nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho hay.

Kể từ năm 2003 tới nay, thế giới ghi nhận 241 trường hợp nhiễm cúm gà do H5N1, hơn 50% trong số này tử vong. Trước đây, các nhà khoa học chưa rõ vì sao H5N1 lại "chết người" như vậy.

Virus H5N1 (Ảnh: rfi.fr)

Để tìm ra lời giải này, bác sĩ Menno de Jong, chuyên gia về virus thuộc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh) và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu 27 trường hợp nhiễm cúm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Trong số này, 18 người nhiễm virus H5N1 và 9 người nhiễm virus cúm theo mùa thông thường.

“Cơn bão Cytokine”

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các bệnh nhân bị cúm gà, nhất là 13 trường hợp đã tử vong, có hàm lượng virus H5N1 trong cơ thể cao một cách bất thường. Hệ quả là hàm lượng các hóa chất mang tên cytokine và chemokine trong máu cũng rất cao. Bình thường những hóa chất này có nhiệm vụ thu hút bạch cầu tới tiêu diệt kẻ thù, nhưng nếu xuất hiện quá nhiều trong máu, chúng sẽ khiến đáp ứng của hệ miễn dịch trở nên thái quá, làm phổi bị ứ nước, gây viêm phổi chết người.

“Cơn bão Cytokine” chính là giả thuyết hàng đầu mà các nhà khoa học lựa chọn để giải thích vì sao trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, quá nhiều người trẻ tuổi - trước đó hoàn toàn khỏe mạnh – đã tử vong. Trong khi bệnh cúm theo mùa có xu hướng gây tử vong ở người già và trẻ nhỏ, thường là do bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện nhiều ngày sau khi virus cúm (không mấy nguy hiểm) kích thích mô phổi.

“Đánh mạnh, đánh tức thì”

Theo nhóm nghiên cứu, đối với bệnh nhân nhiễm H5N1, việc điều trị tức thời bằng các thuốc chống virus có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lý do là vì virus sản sinh vô cùng nhanh, nếu không bị trấn áp trong vòng 48 giờ đầu, chúng sẽ nhanh chóng đẩy bệnh nhân tới cái chết.

Phương châm “đánh mạnh, đánh tức thì” có vẻ rất đúng với cúm do H5N1 gây ra - ông de Jong nhận xét. Tuy nhiên, theo ông, do đáp ứng miễn dịch của chính cơ thể người bệnh cũng góp phần gây ra tổn thương nên các bác sĩ cần cân nhắc kết hợp sử dụng các thuốc chống viêm với thuốc chống virus như Tamiflu.

Virus cúm có nhiều ở họng

Các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên khi tìm được rất nhiều virus H5N1 trong mẫu bệnh phẩm lấy từ mũi và họng, nhất là họng. Những nghiên cứu trước đó cho thấy, khác với cúm theo mùa, virus cúm gà không dễ lây lan từ người sang người vì ngay từ đầu chúng đã gắn chặt với các cảm thụ thể nằm sâu trong phổi. Theo bác sĩ de Jong, có thể giải thích điều này như sau: Virus cúm H5N1 đã đi từ phổi lên họng khi bệnh nhân ho.

Khác với virus cúm mùa thường được tìm thấy ở mũi, H5N1 dễ tìm thấy ở họng hơn. Phát hiện này giúp ích nhiều cho các bác sĩ trong việc lấy bệnh phẩm. Ngoài ra, virus cúm cũng được tìm thấy ở mẫu bệnh phẩm lấy từ trực tràng. Điều này cũng rất quan trọng vì nó cho thấy tiêu chảy - một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân cúm - cũng có thể là một đường lan truyền của bệnh.

Nghiên cứu cũng cho thấy, một số chủng cúm được phân lập ở Việt Nam có những biến đổi gene đặc biệt, có thể khiến chúng trở nên độc hại hơn. Tuy nhiên những biến đổi này mới chỉ xuất hiện ở vài bệnh nhân, cả ở những trường hợp đã tử vong và còn sống sót. Vì vậy nhóm nghiên cứu chưa rút ra kết luận gì về vấn đề này.

Báo cáo đăng trên tạp chí Nature Medicine số ra tháng 10. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là “bước tiến quan trọng” vì tới nay có quá ít thông tin lâm sàng liên quan tới 241 trường hợp nhiễm H5N1 được làm sáng tỏ.

Thu Thủy

Theo NewYork Times, Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video