Khu tháp Chăm Pa (Ảnh: veroeddy)
Các nhà khoa học Ý tại Đại học Milan, đang trùng tu nhóm tháp G - di sản thế giới Mỹ Sơn, đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp cách đây vài trăm năm. Thông tin do Trung tâm Quản lý di tích di sản Quảng Nam đưa ra ngày 1-10.
Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, trong gạch sử dụng để xây dựng tháp Chăm, các nhà khoa học cũng phát hiện được loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên. Như vậy, bí ẩn về vật liệu được các nghệ nhân Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Mỹ Sơn sau hơn 100 năm đã được giải mã.
Thực tế, trước đây ông Lê Văn Chỉnh (tại Tam Xuân, Quảng Nam) - một người thợ thủ công bỏ cả đời mình để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm - cũng đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch xây tháp và chất kết dính, nhưng chưa được ai quan tâm thừa nhận.
TRUNG HIẾU