Bằng cách nào đó, những tảng đá khổng lồ trên các bãi biển vắng thuộc một quần đảo của Ireland liên tục dịch chuyển và hiện tượng này là một bí ẩn đối với giới địa chất.
Hiện tượng đá tự lăn xảy ra trên quần đảo Aran của Irealand. Khi con người tới các bãi biển trên quần đảo Aran, chúng không hề di chuyển. Song một thời gian sau vị trí của chúng thay đổi dù chẳng ai tác động tới chúng, Livescience cho biết.
Một câu hỏi được đặt ra: Bàn tay vô hình nào có khả năng đẩy những tảng đá to từ các vách đá dốc sát biển và khiến chúng lăn vào sâu trong các đảo?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sóng thần là hiện tượng thiên nhiên duy nhất có khả năng đẩy đá to. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Địa chất của Đại học Chicago tại Mỹ khẳng định sự kết hợp của những cơn bão mạnh và sóng biển khiến những hòn đá lăn.
Những tảng đá trên quần đảo Aran của Ireland.
Ronadh Cox, một nhà địa chất của Đại học Williams tại Mỹ, là tác giả của nghiên cứu nói trên. Ông cùng các sinh viên đã tới quần đảo Aran để tìm hiểu hiện tượng tự lăn của đá. Họ thấy một viên đá có khối lượng khoảng 78 tấn, nhưng vẫn bị kéo từ một vách đá có độ cao khoảng 10m so với mực nước biển và lăn vào phía trong đảo.
Nhóm nghiên cứu áp dụng hai phương pháp để tìm ra thủ phạm. Họ so sánh những bức ảnh chụp bờ biển trên quần đảo Aran ngày nay với hàng loạt bản đồ chi tiết từ năm 1839 để xác định vị trí ban đầu của tảng đá.
Kết quả cho thấy tảng đá liên tục di chuyển xa biển trong hàng chục năm qua với tốc độ gần 3m mỗi thập kỷ.
Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn sử dụng phương pháp carbon phóng xạ để xác định tuổi của những vỏ sò nhỏ xíu trong các vết nứt của tảng đá. Niên đại của các vỏ sò giúp các nhà khoa học tìm ra thời gian mà sóng biển bắt đầu đẩy các tảng đá vào sâu trong đất liền. Họ nhận thấy nhiều tảng đá bắt đầu dịch chuyển từ 60 năm trước.
“Người ta nghiêng về giả thuyết sóng thần đã làm xê dịch những tảng đá, nhưng chúng tôi khẳng định chúng lăn bởi tác động của sóng biển”, Cox kết luận.