Văn tự cổ nhất thế giới về giải phẫu cơ thể được khai quật từ ngôi mộ của một phu nhân hầu tước thời Hán trong tình trạng gần như nguyên vẹn.
Các nhà khoa học làm việc tại khu mộ Mã Vương Đôi (Mawangdui) lần đầu tiên tìm thấy những bản thảo vào thập niên 1970 nhưng họ không thể giải mã ký tự ở thời điểm đó. Sau đó, nhóm nghiên cứu học phương ngữ cổ đại, nhờ đó họ phát hiện bản thảo Mã Vương Đôi mô tả cấu tạo cơ thể theo từng khu vực. Mỗi khu vực gắn liền với các loại bệnh có thể phát sinh ở từng huyệt đạo.
Bản thảo chép tay viết về huyệt đạo trong mộ Tân Truy phu nhân ở Mã Vương Đôi. (Ảnh: Ancient Origins).
"Y thư Mã Vương Đôi mới chỉ được phát hiện cách đây 40 năm. Hồi đó không ai biết đấy là bản đồ giải phẫu", nhóm nghiên cứu ở Đại học Bangor viết trong báo cáo đăng trên tạp chí Anatomical Record. "Chúng tôi cho rằng việc đọc hiểu những bản thảo này đòi hỏi khả năng xem xét giải phẫu cơ thể thông qua lăng kính khác biệt với nhận thức thời nay của chúng ta về khoa học và y học".
Bản thảo được viết vào năm 168 trước Công nguyên bằng nhiều ngôn ngữ tiếng Trung và phương ngữ dưới thời nhà Hán, khiến các chuyên gia gặp trở ngại lớn trong việc lý giải nội dung. Văn tự cổ này được tìm thấy năm 1973 trong mộ của Tân Truy phu nhân, một quý tộc thời Hán, trên đồi Mã Vương Đôi. Nhà nghiên cứu Vivien Shaw ở Đại học Bangor, Wales, và cộng sự đã dành nhiều thời gian học ngôn ngữ cổ nhằm đọc ký tự viết trên mảnh lụa. Theo Shaw, tác giả bản thảo xem xét cơ thể dưới góc độ của Đông y, dựa trên triết lý âm - dương.
Bản thảo được biên soạn trước Hoàng đế Nội kinh, tác phẩm kinh điển về thuật châm cứu của Đông y. Bản thảo Mã Vương Đôi không đề cập tới châm cứu, nhưng mô tả các huyệt đạo được nhắc tới ở bộ Hoàng đế Nội kinh sau này.