Từ xa xưa, khi điều kiện khoa học công nghệ yếu kém, con người đã sáng chế ra nhiều phát minh độc đáo khiến các nhà khoa học ngày nay cũng phải trầm trồ.
Lý Bạch (701-762) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất dưới thời Đường tại Trung Quốc. Ông không chỉ được biết đến như một thi tiên vĩ đại, ông còn được mệnh danh là "tửu trung tiên" bởi phong cách yêu rượu hiếm có. Đặc biệt, trong các bài thơ của ông đã từng xuất hiện một cốc rượu mà dù uống thế nào cũng không thể cạn:
"Muôi chim tước, chén chim vẹt, một trăm năm ba vạn sáu nghìn ngày, một ngày nên nghiêng ba trăm chén" (Tương Dương ca).
Cốc rượu "uống mãi không hết" thật sự tồn tại trong lịch sử. (Ảnh: Sina).
Các nhà khảo cổ luôn rất quan tâm đến "cốc vẹt" hay "chén chim vẹt" mà Lý Bạch nhắc tới, nhưng những hiện vật như vậy chưa bao giờ được khai quật. Mãi cho đến khi khám phá một ngôi mộ cổ thời Đông Tấn (317 - 420) vào năm 1965, các chuyên gia khảo cổ mới tìm thấy ly rượu kỳ dị được mô tả trong các bài thơ này.
Phát minh đi trước thời đại
Năm 1965, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ gia tộc ở Tương Sơn, Nam Kinh. Căn cứ vào văn bia khai quật được, đội khảo cổ học phán đoán chủ nhân của ngôi mộ thuộc gia tộc họ Vương, một trong 4 dòng họ lớn nhất thời Đông Tấn.
Tại đây, ngoài việc tìm thấy một số lượng lớn đồ tùy táng, có giá trị to lớn đối với việc nghiên cứu văn hóa gia đình và phong tục tang ma thời nhà Ngụy và nhà Tấn thì các nhà khoa học còn vô cùng ngạc nhiên khi khai quật được một chiếc vỏ ốc anh vũ lớn trong mộ.
Chiếc cốc được khai quật. (Ảnh: Sina).
Sự xuất hiện của con ốc anh vũ gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, bởi đây là lần đầu tiên họ khai quật được một cổ vật kỳ lạ này. Qua nghiên cứu, cuối cùng các chuyên gia phát hiện: Hóa ra đây chính là chiếc "cốc vẹt" nổi tiếng trong lịch sử, chiếc cốc này vốn được làm từ vỏ ốc anh vũ.
Phải chăng, chủ nhân của ngôi mộ cũng là một người có niềm đam mê với rượu giống nhà thơ Lý Bạch nên đã quyết định mang theo chiếc cốc này về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đây là lần đầu tiên người ta khai quật được cốc vẹt nên các chuyên gia rất quan tâm và muốn nghiên cứu xem tại sao cốc vẹt lại có thể là chứa một lượng rượu lớn đến vậy, bởi nhìn từ bên ngoài, đây thực sự là một chiếc vỏ ốc anh vũ bình thường, không có điểm gì đặc biệt.
Bí ẩn bên trong
Để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, các chuyên gia đã quyết định chụp X-quang chiếc cốc, hóa ra hình ảnh "ngày nghiêng 300 chén" trong thơ Lý Bạch vốn không phải là sản phẩm của thủ pháp khoa trương, đó là sự thật.
Bên trong chiếc cốc vẹt có rất nhiều lưới được tạo ra một cách tự nhiên, chiếm mật độ dày đặc bên trong tù và, tất cả các lưới ẩn được nối với nhau bằng lỗ nhỏ. Khi người xưa rót rượu vào cốc vẹt, rượu sẽ ngấm dần vào lưới qua các lỗ nhỏ.
Theo cách này, khi người xưa rót rượu từ cốc vẹt, rượu bên trong sẽ không được rót hết ra ngoài cùng một lúc mà chảy ra từng chút một dưới tác động của áp suất không khí. Bằng cách này, nó tạo cho người ta ảo giác như thể rượu trong đó không bao giờ cạn.
Tái hiện hình ảnh bên trong cốc vẹt. (Ảnh: Sina).
Sau khi các chuyên gia biết được bí mật này, họ cảm thấy vô cùng khâm phục trí tuệ của người xưa. Nguyên lý hoạt động của cốc vẹt rất giống với than hoạt tính hiện nay, nó sử dụng cấu trúc không gian bên trong vật thể để đạt được mục đích là làm chậm dòng chảy.
Uống với một cốc rượu nhỏ nhưng có sức rót dài như vậy rất tao nhã và giàu cảm xúc, bởi vậy cốc vẹt luôn được những người yêu rượu cổ săn đón.
Cốc vẹt được yêu thích là vậy nhưng tại sao nó lại biến mất trong lịch sử? Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nguyên liệu chính của cốc - loài ốc anh vũ, có số lượng rất ít ỏi. Loài vật này lại sống dưới đáy biển sâu vài trăm mét ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên không dễ gì để tìm kiếm.