Khi cơ thể già đi và suy giảm chức năng, cần chú ý tới chế độ ăn uống để không gây hại cho sức khỏe.
Theo thời gian, nhiều chức năng của cơ thể con người bắt đầu suy giảm. Lượng canxi trong cơ thể cũng dần giảm theo khi tuổi tác tăng lên. Đặc biệt, ở giai đoạn trung niên, lượng canxi trong xương sẽ bị mất đi nhanh chóng, khiến xương trở nên giòn và xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Vì vậy, người trung niên và người cao tuổi nên tập thể dục phù hợp để giảm nguy cơ loãng xương, đồng thời ăn nhiều thực phẩm chứa canxi để bổ sung canxi.
Theo khuyến nghị mà Bộ Y tế đưa ra năm 2012, nhu cầu dinh dưỡng về canxi cho người Việt Nam được chia ra theo từng đối tượng như sau:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng: cần 300mg canxi /ngày.
- Trẻ từ 6 - 11 tháng : cần 400 mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: cần 500 mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 4 - 6 tuổi: cần 600 mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 7 - 9 tuổi: cần 700 mg canxi/ngày.
- Người từ 10 - 18 tuổi: cần khoảng 1000 mg canxi /ngày.
- Người từ 18 - 50 tuổi: cần khoảng 1000mg canxi /ngày.
- Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần bổ sung lượng canxi nhiều hơn với khoảng từ 1200 mg - 1500 mg canxi /ngày.
Như vậy, người trưởng thành cần khoảng 1000mg canxi /ngày để xương khớp chắc khỏe, làm chậm quá trình thoái hóa, tránh đau nhức khi vận động. Tuy nhiên, việc bổ sung canxi không thể tùy tiện thực hiện một cách không khoa học.
Lối sống và dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của xương.
Ngay trong chế độ ăn uống mỗi ngày vẫn tiềm ẩn nhiều loại thực phẩm có khả năng trở thành "Vua ăn cắp canxi". Nếu không muốn "chưa già đã yếu", vừa ngã nhẹ đã gãy xương, mọi người nên lưu ý hạn chế sử dụng ăn 4 loại thực phẩm này!
Loại thứ nhất: đồ uống có ga
Đồ uống có ga là đồ uống phổ biến hiện nay. Khi sử dụng với số lượng nhiều, axit cacbonic có trong loại đồ uống này đi vào cơ thể con người sẽ kết hợp với canxi để tạo thành canxi cacbonat, cuối cùng bị chuyển hóa ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu. Tình trạng này gây thất thoát canxi trong cơ thể con người, nếu kéo dài gia tăng nguy cơ đau lưng, đau chân, hạ canxi máu… Đặc biệt ở người trung niên và người lớn tuổi, chức năng cơ thể vốn đã suy giảm, nếu cộng thêm ảnh hưởng của đồ uống có ga sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Loại thứ hai: thực phẩm nhiều đường
Cơ thể con người hấp thụ quá nhiều đường không chỉ làm tăng lượng đường trong máu, mà còn tạo ra các chất có tính axit. Chất có tính axit sẽ trung hòa canxi vốn có trong cơ thể, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hấp thụ canxi mới.
Đồ ngọt còn làm cạn kiệt vitamin và khoáng chất khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, chẳng hạn như vitamin B - dưỡng chất quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, canxi cần thiết cho răng và xương chắc khỏe.
Chế độ ăn nhiều đường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương.
Loại thứ ba: thực phẩm nhiều muối
Cuộc sống của con người không thể tách rời khỏi muối, nhưng ăn quá nhiều muối sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến xương. Muối làm mất canxi từ xương, trong khi canxi lại là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự chắc khỏe của xương.
Đặc biệt, khi chúng ta ăn quá nhiều muối sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ muối ra khỏi cơ thể qua đường niệu. Bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn và thải ra nhiều canxi hơn qua nước tiểu.
Loại thứ tư: thực phẩm nhiều chất béo
Nghiên cứu cho thấy rằng lượng chất béo bão hòa cao trong chế độ ăn uống có thể là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh loãng xương. Thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt cừu, thịt ngựa… giàu chất béo bão hòa, việc tăng tiêu thụ các loại chất béo này có thể liên quan đến nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn.
Bên cạnh đó, đồ chiên rán có hàm lượng dầu cao, ăn nhiều dễ dẫn đến tăng mỡ máu, béo phì, không có lợi cho quá trình hấp thụ canxi và khoáng chất của cơ thể, làm mất chất dinh dưỡng của xương và làm tăng khả năng loãng xương.
Lượng chất béo bão hòa cao chủ yếu trong thực phẩm thịt chế biến sẵn cản trở sự hấp thụ canxi trong ruột. Nó cũng làm tăng nguy cơ béo phì, điều này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương, làm tăng áp lực lên hệ thống xương khớp và giảm chất lượng của xương.
Ngoài ra, nguy cơ loãng xương tăng ở người cao tuổi, người có lối sống ít vận động, có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, đặc biệt là chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D… Do đó, nên hạn chế các thói quen xấu, dần dần điều chỉnh lối sống của bản thân lành mạnh và khoa học hơn.