Top 5 biến chứng tim mạch hậu Covid-19

nCoV tấn công vào cơ thể có thể gây tổn thương cơ tim cấp tính và mạn tính, dẫn đến nhiều đi chứng tim mạch sau khỏi Covid-19.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Tuyết Lan (chuyên khoa Nội Tim mạch, Viện Tim TP HCM) cho biết các tổn thương tim mạch hậu Covid-19 thường gặp gồm: viêm cơ tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim, suy chức năng tế bào nội mạc và viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối, rối loạn nhịp tim.

Số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022 cho thấy có 140 bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch hậu Covid trong tổng số 1.021 bệnh nhân đến khám, chiếm tỷ lệ 13,7%.

Viêm cơ tim

nCoV lây nhiễm vào tế bào vật chủ thông qua thụ thể men chuyển 2 (ACE2), dẫn đến viêm phổi do Covid-19; đồng thời gây tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim, tổn thương mạn tính cho hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.


Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng.

"Tổn thương cơ tim trực tiếp do nCoV và gián tiếp do cơn bão cytokine gây viêm, hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim và hậu quả là suy tim", bác sĩ Tuyết Lan chia sẻ.

Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng như mệt, khó thở tùy mức độ suy tim, tim đập nhanh, đau ngực. Hình ảnh siêu âm tim cho thấy tim giãn lớn, các thành tim giảm động, phân suất tống máu thất trái giảm và tăng áp động mạch phổi. Xét nghiệm máu biểu hiện tăng men tim, tăng dấu ấn sinh học suy tim.

Xơ hóa mô kẽ cơ tim

Bác sĩ Lan cho biết xơ hóa cơ tim từng vùng hoặc lan tỏa ở tim bệnh nhân Covid-19 có thể gặp ở cả F0 không có triệu chứng tim mạch. Điển hình là bệnh nhân nữ 45 tuổi bị xơ hóa mô kẽ lan tỏa với biểu hiện hồi hộp và đau ngực ba tháng sau khi mắc Covid-19 mặc dù không có tiền sử viêm cơ tim. Các dấu hiệu xơ hóa lan tỏa tương tự cũng được ghi nhận ở bệnh nhân nam 49 tuổi có biểu hiện khó thở 6 tuần sau khởi phát triệu chứng. Xơ hóa mô kẽ cơ tim góp phần làm rối loạn chức năng thất trái dẫn đến suy tim.

Rối loạn nhịp tim

Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng có thể gây các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, có thể ngừng tim. Thêm vào đó, tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm oxy máu, rối loạn điện giải càng làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm. Đặc biệt, các rối loạn nhịp nhĩ thường gặp hơn ở bệnh nhân nặng có điều trị tại các phòng ICU (hồi sức tích cực).

Thuyên tắc huyết khối

Quá trình tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và viêm mạch máu do nCoV làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu và gây thuyên tắc mạch máu do huyết khối. Sự hiện diện huyết khối làm tăng độ nặng và tỷ lệ tử vong của bệnh. Các biến cố huyết khối cũng thường được quan sát thấy ở bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, nhập ICU thở máy, bất động kéo dài và ứ trệ tĩnh mạch.

Theo bác sĩ Lan, thuyên tắc huyết khối ở các vị trí nguy hiểm đều có thể dẫn đến đột tử như thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp. Các triệu chứng báo hiệu là hồi hộp đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực, men tim tăng... Tùy theo nghi ngờ chẩn đoán là thuyên tắc phổi hay nhồi máu cơ tim cấp mà bệnh nhân được chỉ định MSCT (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) động mạch phổi cản quang hay chụp động mạch vành. Từ đó bác sĩ có phương án điều trị chống đông máu thích hợp và kịp thời theo nguyên nhân gây bệnh, giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Suy chức năng tế bào nội mạc và viêm mạch máu

Nhiễm trực tiếp virus vào tế bào nội mạc thông qua thụ thể ACE2 dẫn đến suy chức năng tế bào nội mạc và phá vỡ tính toàn vẹn của mạch máu, gây rò rỉ mạch máu. Ngoài ra, theo bác sĩ Lan, quá trình viêm và tăng đông máu cũng là các biến chứng của rối loạn chức năng tế bào nội mạc ở bệnh nhân Covid-19.

F0 có rối loạn chức năng tế bào nội mạc biểu hiện qua việc giảm 6% sự dãn mạch qua trung gian dòng chảy. Nếu giảm 1% sự dãn mạch qua trung gian dòng chảy thì nguy cơ biến cố tim mạch cao hơn 13%.

Theo bác sĩ Lan, bệnh nhân hậu Covid-19 luôn phải chú ý lắng nghe cơ thể, nếu cảm thấy mệt, khó thở, hồi hộp, tim nhanh, chóng mặt, ngất... thì lập tức thăm khám để được chỉ định kịp thời các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm tĩnh mạch chi dưới tìm huyết khối tĩnh mạch sâu... nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi phát hiện có tình trạng đông máu, tùy theo mức độ D-dimer tăng và sự hiện diện huyết khối tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ cho uống thuốc chống đông máu theo liều lượng và thời gian thích hợp. Nếu có biểu hiện suy tim thì bệnh nhân được điều trị các thuốc cải thiện suy tim, giảm khó thở, sưng chân và theo dõi sự cải thiện của viêm cơ tim với điều trị nội khoa. Các thuốc chống loạn nhịp tim thích hợp với từng loại rối loạn nhịp tim cũng sẽ được cân nhắc kỹ càng.

Cập nhật: 17/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video