Dãy núi Gamburtsevs tại Nam Cực có độ cao tương đương dải Alps hùng vĩ tại châu Âu nhưng bị ẩn dưới lớp băng khổng lồ. Các nhà khoa học quốc tế đang thực hiện dự án để xác định chính xác kích thước và hình dáng của dãy núi này.
Máy bay của nhóm nghiên cứu cất cánh để đo đạc dãy Gamburtsevs. Ảnh: BBC. |
Sự hiện diện của các ngọn núi trong dãy Gamburtsevs, được phát hiện từ thập niên 50, khiến giới khoa học sửng sốt. Trước đó người ta nghĩ rằng vùng nội địa của Nam Cực tương đối bằng phẳng. Nhưng các kỹ thuật dò tìm hiện đại ngày nay chứng minh điều ngược lại.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng những núi ấy tồn tại. Chúng tôi nhìn thấy chúng bên dưới băng. Chúng có kích thước, các đỉnh nhọn và thung lũng tương tự dãy Alps ở châu Âu”, tiến sĩ Fausto Ferraccioli, một nhà khoa học tham gia chương trình thám hiểm phát biểu.
Sự hiện diện của dãy núi tại Nam Cực làm nảy sinh nhiều câu hỏi như các quả núi hình thành thế nào và tại sao chúng không bị bào mòn bởi băng đá. Dự án mang tên Antarctica's Gamburtsev Province nhằm tìm hiểu dãy núi bí ẩn có sự tham gia của các nhà khoa học, kỹ sư, phi công và đội ngũ hỗ trợ từ Anh, Mỹ, Đức, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.
Họ lập hai trại ở Nam Cực và cho máy bay liên tục lượn phía trên nơi có dãy núi để xác định hình dạng của chúng bằng sóng radar. Các thiết bị khác trên máy bay đo các trường điện từ và trường lực hấp dẫn. Các nhà khoa học đã bay tổng cộng khoảng 120.000 km (tương đương 3 chuyến đi vòng quanh trái đất) và khám phá hơn 20% diện tích băng ở Nam Cực.
Xử lý dữ liệu trên máy tính để xác định đỉnh của dãy núi. Ảnh: BBC. |
Dữ liệu về phần bên dưới của dãy Gamburtsevs được cung cấp bởi một mạng lưới máy đo địa chấn. Tiến sĩ Robin Bell của Đại học Columbia (Mỹ) tham gia dự án cho biết: "Trên một vị trí cách mặt đất 3 km chúng tôi nhìn thấy nước. Đó có thể là phần đáy của lớp băng. Sóng từ radar trên cánh máy bay xuyên qua lớp băng, nhờ đó chúng tôi biết rằng nhiệt độ bên dưới lớp băng cao hơn nhiều so với bề mặt”.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra vị trí tốt nhất để khoan một lỗ trên tảng băng. Không khí bị mắc kẹt giữa các tầng băng tuyết sẽ giúp họ hiểu thêm về lịch sử khí hậu của trái đất. “Hiện những khám phá của chúng tôi giống như trang đầu tiên của một cuốn sách. Chúng tôi đang có rất nhiều dữ liệu để xử lý”, tiến sĩ Ferraccioli thông báo.