"Thành phố đang có chính sách mở rộng hợp tác với giới khoa học, tăng cường đặt hàng và đưa các đề tài vào cuộc sống bằng 15 chương trình trọng điểm", Giám đốc Sở KH-CN Phan Minh Tân cho biết trong cuộc gặp 400 nhà khoa học do Công ty Cổ phần viễn thông FPT và Sở tổ chức chiều nay.
Tuy nhiên, ông Tân cũng nhìn nhận thực tế đáp ứng của ngành khoa học thành phố đối với nhu cầu vẫn còn thấp.
"Rót 2 tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho khoa học nhưng các đề nghị của nhà khoa học chưa được thành phố khai thác bao nhiêu", Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thành Tài thừa nhận thực tế này. Đồng thời ông Tài chỉ ra sự thụ động của ngành khoa học thành phố: "Nhưng giới khoa học cũng chưa có nhiều kiến nghị, dự án cụ thể để thành phố có thể quyết ngân sách hỗ trợ ngay".
Trí thức Việt kiều được xem là nguồn chất xám quan trọng cho công cuộc hội nhập và phát triển TP.HCM. (Ảnh: P.A.) |
Để giải tỏa "nỗi buồn" trong năm nay, ông Tài đặt hàng luôn cho nhà khoa học các lĩnh vực cụ thể nghiên cứu trong năm nay. Đó là tập trung vào những đề tài quy hoạch đô thị, kiến trúc không gian đô thị TP.HCM, xây dựng nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc, giải quyết tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường...
Chủ tịch Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Ngọc Giao cho rằng rất nhiều nhà khoa học có mong muốn làm ăn, kinh doanh riêng song song với hoạt động nghiên cứu của mình. Tuy nhiên cơ chế chính sách hiện nay chưa rõ ràng, không nói cụ thể là nhà khoa học có được phép lập doanh nghiệp, làm ăn ngoài việc công hay không nên nhiều người ngại ngần.
"Tôi đề nghị nhà nước cho phép nhà khoa học được làm ăn tư nhân như một công việc chính, thêm thu nhập. Có làm tốt việc riêng, người làm khoa học mới mang hết sức để làm việc, nghiên cứu những đề tài nhà nước", ông Giao nhấn mạnh.
Theo ông Giao, nhà nước hiện nay đang rất lãng phí trong việc sử dụng giới khoa học, chưa sử dụng tốt nhân tài để xây dựng và phát triển đất nước. TP.HCM có hơn 300.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, hơn 500 giáo sư tiến sĩ và các nhà khoa học đầu ngành. Thế nhưng năm ngoái mới có 350 đề tài khoa học được triển khai. Trong đó tỷ lệ đặt hàng của doanh nghiệp và nhà nước mới 40%, phần lớn là do nhà khoa học tự thực hiện. Tỷ lệ ứng dụng thực tế của các đề tài này cũng chỉ mới xấp xỉ 37%.
PHAN ANH