Rắc rối chuyện đặt tên khoa học

  •  
  • 343

Cãi vã ỏm tỏi, tranh luận nhiều năm ròng... là những diễn biến xung quanh chuyện đặt tên cho con bướm mới phát hiện này, cho nguyên tố vừa tìm ra kia hay cho ngôi sao nọ mới nhìn thấy.

Trước nhất, đây là chuyện thường ngày của giới hóa học. Vấn đề tranh luận gay gắt quanh các vụ đặt tên đã tồn tại mấy chục năm qua. Năm 1969 chẳng hạn, người ta gần như mất bình tĩnh khi chọn một cái tên cho nguyên tố 104. Cả Liên Xô và Mỹ đều tự nhận mình khám phá nguyên tố này trước. Liên Xô đề nghị cái tên kurchatovium cho nguyên tố 104, theo tên nhà khoa học Igor Kurchatov (giám đốc chương trình nguyên tử của Liên Xô) nhưng Mỹ lại khăng khăng chọn tên rutherfordium, theo tên nhà vật lý người Anh gốc New Zealand Earnest Rutherford (người từng đoạt giải Nobel và tạo dựng nền móng cho lý thuyết cấu trúc nguyên tử).

Chuyện này nhùng nhằng mãi đến năm 1980 và một hội nghị - được tổ chức nhằm đưa ra một số nguyên tắc chọn tên cho nguyên tố 104 cũng như các nguyên tố mới sau này - đã quyết định đặt tên cho nguyên tố 104 là unnilquadium. Tuy nhiên, sau đó, Liên minh Quốc tế về Hóa nguyên chất và Hóa ứng dụng (IUPAC) lại đổi 104 thành rutherfordium, như đề nghị ban đầu của Mỹ.

Nặng mùi chiến tranh lạnh

Nguyên tố 106 đến nay vẫn được gọi là seaborgium - tên tác giả bị uốn cong
Nguyên tố 106 đến nay vẫn được gọi là seaborgium - tên tác giả bị uốn cong  (Ảnh: ny.us) 
Năm 1994, IUPAC đưa ra một danh sách dài ngoằng với những cái tên định sẵn cho các nguyên tố có thể xuất hiện trong tương lai. Tuy thế, Hội Hóa học Mỹ (ACS), nơi chịu trách nhiệm đặt tên trong lĩnh vực hóa học của Mỹ, lập tức phản đối. Trận chiến càng kịch liệt khi IUPAC đòi Mỹ phải đặt lại tên cho nguyên tố 106 (lúc đó gọi là seaborgium), dựa trên luận điểm rằng nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel Glenn Seaborg vẫn còn sống sờ sờ. “Đâu phải đợi đến khi người ta chết mới lấy tên họ đặt được!” - phía Mỹ phản bác.

Người Mỹ cũng chẳng đồng ý cái tên dubnium, lấy theo địa danh Dubna (Liên Xô), nơi có phòng thí nghiệm đã tạo ra nguyên tố này. Thái độ này được xem là sặc mùi chiến tranh lạnh. Mãi đến năm 1997, tên chính thức cho các nguyên tố 101 đến 109 mới được thống nhất. Luật đặt tên nguyên tố lấy theo tên người sống bị uốn cong và nguyên tố 106 đến nay vẫn được gọi là seaborgium. Mỹ thắng thế trong việc thuyết phục được người ta đồng ý chọn tên nguyên tố 104 là rutherfordium (như đã nói ở trên). Tuy nhiên, Liên Xô cũng không hề thua khi nguyên tố 105 được đổi thành dubnium.

Trong thiên văn học, chuyện đặt tên cũng lắm phiền phức. Liên minh Thiên văn học Quốc tế (IAU) quy định rằng tên của các chính khách hay nhà quân sự cấm chỉ không được đặt, cho đến một thế kỷ sau sự kiện khám phá hay sau khi nhân vật (có cái tên mà người ta muốn lấy đặt) qua đời. Tên nghe thô thiển, tục tĩu, gợi ra ý nghĩa bậy bạ, nghe giông giống nhiều cái tên đã có, hay nhiều hơn 16 mẫu tự... đều bị cấm đặt. Trong giới thiên văn học, người ta cũng tỏ ra xem thường những người lấy tên mình hay tên con vật nuôi trong nhà đặt cho ngôi sao mình phát hiện.

Trong thời kỳ đầu của việc chọn tên các thiên thạch, người ta khoái lấy tên trong lịch sử văn học cổ điển hay thần thoại (các nữ thần, chiến binh trong cuộc chiến thành Troy...). Bây giờ, phổ biến nhất là chọn tên các nghệ sĩ: (John) Lennon (thiên thạch 4147), Paul McCartney (4148), Zappafrank (Frank Zappa, 1940-1993, nhà soạn nhạc người Mỹ) cho thiên thạch 3834...

Với các mặt trăng và những đặc điểm bề mặt của hành tinh trong vũ trụ, tên mang dáng dấp Latin vẫn khoái được dùng. Năm 1998, tên Caliban (không phải Taliban!) và Sycorax được đề nghị đặt cho mặt trăng thứ 16 và 17 của sao Thiên Vương. IAU vẫn chưa chuẩn y 2 cái tên này nhưng có lẽ sẽ không phản đối vì họ duy trì truyền thống đặt tên cho các mặt trăng của sao Thiên Vương theo tên những nhân vật trong truyện Shakespeare. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này cũng có ngoại lệ, chẳng hạn 2 ngôi sao lớn của Thiên Vương tinh lại có tên rút ra từ một bài thơ của Alexander Pope (nhà thơ Anh, 1688-1744).

Rắc rối tên sinh vật học

Con khủng long Brontosaurus bị đổi tên thành Apatosaurus.
Con khủng long Brontosaurus bị đổi tên thành Apatosaurus. (Ảnh: earthlink.net)
Cả thiên văn học và hóa học đều không gây nhức đầu bằng sinh vật học. Với hơn một triệu loài sinh vật đang sống (chưa kể đến sinh vật hóa thạch) đã được xác định và hàng triệu sinh vật khác vẫn còn chưa được biết, vấn đề đặt tên quả là cực kỳ phức tạp. Hiện nay, cách phổ biến nhất vẫn là tự đặt tên, theo nguyên tắc chung: không thô thiển, bậy bạ, người phát hiện không đặt theo tên mình... Một khi xuất hiện trên văn bản hay báo chí, coi như cái tên chính thức ra đời.

Truyền thống vẫn là tên 2 từ (do nhà tự nhiên học Thụy Điển Carl von Linné hồi thập niên 1750 hiệu chỉnh): từ thứ nhất là giống, từ thứ hai là loài (cả hai thường là chữ Latin và cái đuôi Latin giả của từ cũng phải thuận theo quy luật văn phạm Latin về giống đực-cái). Việc đặt tên theo kiểu này tỏ ra phức tạp và khó nhớ, chưa kể tình trạng gây nhầm lẫn.

Chẳng hạn, có một loài sên gọi là Bahumbugi nhưng cũng có một loài nhện tên Dracula bramstokeri và 2 loài ong Agra phobia và Agravation... Quái lạ hơn nữa, tên nhà soạn nhạc Frank Zappa từng được đặt cho một thiên thạch lại còn xuất hiện trên một loài cá nước ngọt. Đôi khi, do sự lộn xộn này, nhiều cái tên đã bị đổi theo thời gian. Con khủng long Brontosaurus bị biến thành Apatosaurus cũng bởi tình trạng vừa kể.

Trong nhiều năm qua, người ta đã vất vả trong việc tìm tiêu chuẩn đặt tên cho ngành động vật học, thực vật học, vi khuẩn học và virus học... nhưng hết thảy đều giơ tay đầu hàng. Suy cho cùng, lầm lỗi là đặc tính của con người. Chẳng có cái gì hoàn thiện, ngay cả vòng tròn cũng chưa bao giờ tròn hẳn. Bỏ nhiều công sức khám phá thế giới thì chịu chút vất vả và dành chút thời giờ để suy nghĩ cái tên đặt cho nó. Cho dù cái tên cũng chỉ là một dạng ký hiệu để nhận biết.

Hầm hố cũng có tên

Với các hầm hố trên sao Hỏa, người ta có khuynh hướng lấy tên những nhà khoa học có liên quan đến công trình nghiên cứu đặt tên cho chúng. Tuy nhiên, những hầm hố nhỏ lại được đặt tên theo “các ngôi làng trên thế giới có dân số ít hơn 100.000" - theo Quyển sách thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Trên sao Kim (Venus), các hầm hố to được đặt toàn tên phụ nữ nổi tiếng (có lẽ bản thân Venus hàm nghĩa thần vệ nữ chăng?). Bản thân những thiên thạch có tên rồi thì những đặc điểm trên nó cũng phải có tên. Thiên thạch Mathilde (253) chẳng hạn (ảnh chụp từ phi thuyền không người lái NEAR vào năm 1997) có các đụn trên bề mặt trông hệt đống than nên chúng được đặt theo tên các mỏ than lớn trên thế giới.

Theo Người Lao Động, Vnexpress
  • 343