Thật khó có thể kể hết các loại trà dược có công dụng phòng chống tiểu đường của y học cổ truyền. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin dẫn ra một số bài thuốc điển hình để độc giả có thể tham khảo và chọn dùng khi cần thiết.
Bài 1:
Nhân sâm 50g, mạch môn 100g, thiên hoa phấn 150g.
Tất cả sấy khô, tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: ích khí sinh tân, làm hết khát và hạ đường huyết. Nhân sâm có khả năng làm giảm đường huyết, cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân, cải thiện chức năng tim mạch và dự phòng các biến chứng thứ phát.
Bài 2:
Ngọc trúc, sa sâm, thạch hộc, mạch môn, ô mai mỗi thứ 100g.
Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 100g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: dùng cho người bị bệnh tiểu đường thuộc thể phế vị táo nhiệt lâu ngày khiến cho âm huyết hư tổn, biểu hiện bằng các triệu chứng ăn nhiều, khát nhiều, tiểu tiện nhiều, thân thể hao gầy, họng khô miệng khát, có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng.
Ngọc trúc và mạch môn đều có khả năng kích thích các thành phần có hoạt tính làm giảm đường máu, riêng mạch môn còn có tác dụng thúc đẩy quá trình hồi phục của các tế bào tuyến tụy.
Bài 3:
Vỏ dưa hấu 200g, vỏ bí đao 200g, thiên hoa phấn 120g.
Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 100g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh nhiệt sinh tân, nhuận táo chỉ khát. Loại trà dược này đặc biệt thích hợp cho những người bị bệnh tiểu đường có kèm theo các chứng trạng viêm nhiệt như lở miệng, môi, mụn nhọt, viêm da...
Bài 4:
Địa cốt bì lượng vừa đủ, sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh nhiệt lương huyết, thoái nhiệt, làm giảm đường máu và huyết áp.
Theo dược học cổ truyền, địa cốt bì vị ngọt, tính lạnh, dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để điều trị chứng tiêu khát. Địa cốt bì có khả năng làm giảm đường máu, cải thiện tình trạng thương tổn tế bào bêta tuyến tụy. Ngoài ra, vị thuốc này còn có tác dụng làm giảm mỡ máu và hạ huyết áp nên rất thích hợp cho những người bị bệnh tiểu đường có kèm theo tình trạng rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
Bài 5:
Mướp đắng (khổ qua) lượng vừa đủ, phơi hoặc sấy khô, mỗi ngày dùng 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh thử, điều nhiệt, minh mục, giải độc và làm giảm đường huyết.
Theo dược lý học cổ truyền, khổ qua vị đắng, tính lạnh, thường được dùng để chữa các chứng khát do nhiệt bệnh hoặc kiết lỵ, viêm da, ho, tắm cho trẻ em trừ rôm sảy... Khổ qua có tác dụng làm giảm đường huyết bao gồm cả hai nguyên nhân do tụy và không do tụy. Cơ chế tác động chủ yếu là do khổ qua đã kích thích tế bào bêta tuyến tụy tăng tiết insulin.
Bài 6:
Nhân sâm 30g, hồng hoa 100g.
Hai thứ sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 13g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: dùng cho người bị bệnh tiểu đường có biến chứng tim mạch.
Theo dược lý học cổ truyền, hồng hoa vị cay, tính ấm có công dụng hoạt huyết hóa ứ. Hồng hoa có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện vi tuần hoàn, khi dùng cùng với nhân sâm có công dụng hạ đường huyết,và có khả năng dự phòng tích cực các biến chứng tim mạch thường có trên bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là tình trạng viêm tắc động tĩnh mạch.