Trầm cảm sau sinh, nay đã có thuốc mới giúp trị nhanh

Cứ 5 phụ nữ sinh nở thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh, chứng bệnh để lại hậu quả không chỉ cho mẹ mà còn trẻ sơ sinh.

Đặc trưng của trầm cảm sau sinh là cảm giác buồn bã, lo âu, thậm chí tuyệt vọng sau quá trình sinh nở. Theo thống kê không chính thức, cứ 5 phụ nữ thì có khoảng 1 người mắc chứng bệnh này.

Trầm cảm sau sinh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con. Đối với các bà mẹ, nó có thể tăng nguy cơ tự tử, huyết áp cao, tiểu đường hoặc đột quỵ. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ như vậy có nhiều khả năng chậm phát triển và gặp vấn đề kiểm soát cảm xúc, hành vi, thậm chí có nguy cơ cao tử vong trước 1 tuổi.

Một phụ nữ sinh con ở tuổi 42 ở Mỹ nằm trong số này. Bà bị trầm cảm sau sinh chỉ một tuần sau khi em bé ra đời.


Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều hệ lụy cho cả người mẹ, trẻ sơ sinh và gia đình - (Ảnh minh họa của Getty).

Bác sĩ Misty Richards - giám đốc y khoa tại UCLA Health (Mỹ), người có nhiều kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng này - chia sẻ bệnh nhân không tắm gội hay ăn uống. Chồng của cô phải nghỉ việc để chăm sóc vợ và đứa bé mới sinh.

Phòng khám của bà Richards đã điều trị hàng trăm bệnh nhân như vậy. Ban đầu, bà tiến hành những chương trình điều trị ngoại trú chuyên sâu, tuy nhiên không đạt được hiệu quả cao. Bởi ngay cả khi tham gia, bệnh nhân vẫn có ý định tự tử.

Bác sĩ Richards quyết định kê đơn thuốc viên điều trị trầm cảm sau sinh đầu tiên trên thế giới mang tên zuranolone cho nữ bệnh nhân trên.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc này vào tháng 8-2023 nhưng phải mất vài tháng quá trình cung cấp thuốc mới sẵn sàng.

Một số bác sĩ tâm thần cho biết họ bắt đầu kê đơn zuranolone sau thời gian tìm hiểu về công dụng và cách kết hợp nó với các loại thuốc khác. Họ hy vọng zuranolone sẽ mang đến thay đổi lớn do tác dụng nhanh và có thể dùng tại nhà.

Richards cho biết bệnh nhân đầu tiên của bà sử dụng zuranolone đã giảm triệu chứng trầm cảm sau khoảng ba ngày. Bệnh nhân cảm thấy hiệu quả đáng kể của thuốc vào ngày thứ tám và không gặp tác dụng phụ.

"Cô ấy nói rằng cảm thấy mình vừa tỉnh dậy sau cơn mê", bà Richards nói. "Chồng bệnh nhân đã khóc và vô cùng biết ơn. Đây là thành công lớn trong ngành tâm thần học", bà chia sẻ.

Trước zuranolone, phương pháp điều trị duy nhất là tiêm tĩnh mạch được phê duyệt vào năm 2019. Tuy nhiên phương pháp này có nguy cơ gây an thần quá mức, mất ý thức đột ngột, vì vậy chỉ một số trung tâm điều trị được cấp phép có thể thực hiện và bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong 2,5 ngày.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn thường mất vài tuần thuốc mới bắt đầu có tác dụng. Trong khi đó, zuranolone có thể được dùng kèm với các thuốc chống trầm cảm phổ biến khác và mang lại hiệu quả nhanh hơn.

Vẫn lo ngại tác dụng phụ thuốc trị trầm cảm sau sinh

Mặc dù zuranolone có thể mang lại nhiều lợi ích, các bác sĩ tâm thần cho biết một số bệnh nhân còn ngần ngại dùng nó lo ngại tác dụng phụ và một số lý do khác.

Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, tiêu chảy, mệt mỏi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Do vậy, bệnh nhân được khuyến cáo không lái xe hoặc vận hành máy móc nặng ít nhất 12 giờ sau khi uống thuốc.

Một số bệnh nhân khác từ chối dùng thuốc do thiếu dữ liệu về mức độ an toàn khi cho con bú. Lượng nhỏ zuranolone có thể truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ, nhưng các nghiên cứu chưa đánh giá liệu nó có gây hại hay không.

Ngoài ra thuốc không đạt hiệu quả cao với bệnh nhân trầm cảm sau sinh thể nhẹ. Các bác sĩ khuyến nghị những bệnh nhân này cần tìm các biện pháp can thiệp y tế khác để chăm sóc bản thân và con cái.

Cập nhật: 29/05/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video