Vi khuẩn Lactobacillus trong thực phẩm lên men có thể giúp tránh trầm cảm

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Lactobacillus giúp duy trì nồng độ gamma interferon, một chất trung gian miễn dịch, rất quan trọng đối với phản ứng căng thẳng và sức khỏe tinh thần.

Các nhà nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Virginia (Mỹ) đã phát hiện ra Lactobacillus, một loại vi khuẩn có trong thực phẩm lên men và sữa chua, giúp cơ thể kiểm soát căng thẳng và có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm và lo lắng.


Vi khuẩn Lactobacillus có trong thực phẩm lên men và sữa chua có thể giúp cơ thể kiểm soát căng thẳng. (Ảnh: iStock).

Nghiên cứu của các nhà khoa học được công bố trên Tạp chí Brain, Behavior, and Immunity (Bộ não, Hành vi và Khả năng miễn dịch). Những phát hiện này mở ra cánh cửa cho những phương pháp mới để điều trị chứng lo âu, trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.

Nhà nghiên cứu UVA Alban Gaultier và các cộng tác viên cho biết phát hiện này rất đáng chú ý vì nó xác định chính xác vai trò của Lactobacillus, giúp phân biệt vi sinh vật này đối với tất cả các vi sinh vật đang sinh sống tự nhiên ở bên trong và trên cơ thể của chúng ta.

Các vi sinh vật này được gọi chung là microbiota và các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu chúng để chống lại bệnh tật và cải thiện sức khỏe.

Nghiên cứu mới của UVA đã tạo nên một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này, cung cấp cho các nhà khoa học một cách tiếp cận mới đầy sáng tạo để hiểu rõ vai trò của từng loại vi khuẩn có thể hỗ trợ trong việc phát triển các phương pháp điều trị và chữa trị mới cho nhiều loại bệnh, cả về tinh thần và thể chất.


Ruột của chúng ta tự nhiên là nơi cư trú của vô số vi khuẩn, nấm và virus. (Ảnh: Neuroscience News).

“Nghiên cứu của chúng tôi đã làm sáng tỏ cách mà vi khuẩn đường ruột Lactobacillus ảnh hưởng đến rối loạn cảm xúc thông qua việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch”, Giáo sư Gaultier, thuộc Khoa Khoa học thần kinh của UVA, Trung tâm Miễn dịch Não và Glia và Sáng kiến Hệ vi sinh vật xuyên Đại học, cho biết.

Ông cũng nói thêm: "Nghiên cứu của chúng tôi có thể mở đường cho việc khám phá các phương pháp điều trị thiết yếu cho chứng lo âu và trầm cảm".

Ruột của chúng ta là môi trường sống tự nhiên của vô số vi khuẩn, nấm và virus. Số lượng vi sinh vật chiếm đến 57% tổng số tế bào trên cơ thể người.

Điều đó nghe có vẻ hơi ghê, thậm chí đáng báo động, nhưng các nhà khoa học cho biết những sinh vật nhỏ bé này và sự tương tác của chúng rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và các khía cạnh khác của cuộc sống.

Sự rối loạn trong hệ vi sinh vật trên cơ thể người, dù là do bệnh tật, chế độ ăn uống kém hay các nguyên nhân khác, đều góp phần gây ra nhiều bệnh và thậm chí giúp căn bệnh ung thư phát triển. Vì vậy, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đẩy mạnh nghiên cứu về khả năng chống lại bệnh tật từ hệ vi sinh vật này.

Những nghiên cứu ban đầu được thực hiện nhằm điều khiển hệ vi khuẩn đường ruột bằng vi khuẩn có lợi, được gọi là men vi sinh, đã mang lại nhiều kết quả khác nhau.

Vấn đề lớn nhất đối với việc này chính là sự phức tạp tuyệt đối của hệ vi sinh vật - ước tính bao gồm 39 nghìn tỷ con với nhiều chủng loại không giống nhau.

Hiểu được cơ chế hoạt động của từng loại vi khuẩn hoặc nấm riêng biệt, đặc biệt là về cách chúng tương tác với các vi sinh vật khác và vật chủ, chẳng khác gì việc “mò kim đáy bể".

Gaultier và nhóm của ông đã áp dụng một cách tiếp cận sáng tạo để tập trung cụ thể vào Lactobacilli. Nghiên cứu trước đây từ phòng thí nghiệm của Gaultier cho thấy vi khuẩn này có thể đẩy lùi chứng trầm cảm ở chuột thí nghiệm – một phát hiện cực kỳ hứa hẹn. Nhưng các nhà nghiên cứu cần phải hiểu được cơ chế hoạt động của loại vi khuẩn này.


Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Lactobacilli có thể đẩy lùi chứng trầm cảm ở chuột thí nghiệm. (Ảnh: iStock)

"Chúng tôi đã biết từ nghiên cứu trước đây rằng Lactobacillus có lợi trong việc cải thiện chứng rối loạn tâm trạng và mất tác dụng sau căng thẳng tâm lý, nhưng những lý do cơ bản vẫn chưa rõ ràng, chủ yếu là do những rào cản kỹ thuật liên quan đến việc nghiên cứu hệ vi sinh vật".

Gaultier và nhóm của ông quyết định tiếp tục nghiên cứu bệnh trầm cảm bằng cách sử dụng một bộ vi khuẩn có tên là "Altered Schaedler Flora", bao gồm 2 chủng Lactobacillus và 6 chủng vi khuẩn khác.

Sử dụng hệ vi sinh vật hiếm gặp này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tạo ra những con chuột có và không có Lactobacillus, mà không sử dụng tới thuốc kháng sinh.

Đối với mỗi vi khuẩn thiếu đi sẽ cho ra một kết quả khác nhau. Gaultier và các đồng nghiệp của ông đã có thể giải thích chính xác Lactobacilli ảnh hưởng đến hành vi như thế nào và việc thiếu vi khuẩn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm và lo lắng ra sao.

Lactobacilli thuộc họ Lactobaccillacea duy trì mức độ của một chất trung gian miễn dịch gọi là interferon gamma giúp điều chỉnh phản ứng của cơ thể với căng thẳng và giúp ngăn ngừa trầm cảm.

Với thông tin mới này, các nhà nghiên cứu đã sẵn sàng phát triển những phương pháp mới để ngăn ngừa và điều trị trầm cảm cũng như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, trong đó vi khuẩn Lactobacillus đóng vai trò quan trọng.

Chẳng hạn, những bệnh nhân đang vật lộn với hoặc có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm một ngày nào đó có thể dùng các chất bổ sung men vi sinh có công thức đặc biệt để tối ưu hóa mức độ Lactobacillus có lợi trong cơ thể của họ.

Nhà nghiên cứu Andrea R. Merchak cho biết: “Với những kết quả nghiên cứu này, chúng tôi có các công cụ mới để tối ưu hóa sự phát triển của men vi sinh, điều này sẽ tăng tốc độ khám phá các liệu pháp mới”.

"Quan trọng nhất, bây giờ chúng ta đã biết được việc duy trì mối quan hệ khỏe mạnh của Lactobacillus với interferon gamma có thể được nghiên cứu để ngăn ngừa và điều trị chứng lo âu và trầm cảm", ông Merchak nói.

Cập nhật: 09/12/2023 Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video