Trẻ em sống ở những khu đô thị đông đúc có khuynh hướng bị dị ứng với thực phẩm nhiều gấp đôi so với trẻ em sống tại nông thôn, các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện.
Nhóm chuyên gia đến từ Khoa Y, Đại học Northwestern đã tiến hành điều nghiên 38.000 trẻ dưới 18 tuổi với nơi sinh sống và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Tình trạng dị ứng với đồ ăn của các em được theo dõi và ghi lại theo từng mã khu vực (thành thị hoặc nông thôn). Kết quả cho thấy có khoảng 10% các trẻ sống ở thành thị mắc chứng dị ứng với thực phẩm, so với chỉ khoảng 6% trẻ ở nông thôn. Ví dụ, tỷ lệ trẻ bị dị ứng khi ăn đậu phộng ở thành thị là 2,8%, trong khi ở nông thôn là 1,3%.
Tương tự, khoảng 2,4% trẻ ở thành phố bị dị ứng khi ăn các loại sò trong khi chưa đến 1% trẻ ở nông thôn bị như vậy. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy mật độ dân cư đông đúc làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ”, phó Giáo sư Ruchi Gupta - trưởng nhóm nghiên cứu - nhận định.
Các chuyên gia đúc kết chính môi trường là nhân tố tác động trực tiếp lên việc phát triển tình trạng dị ứng. Cụ thể, trẻ em sống ở thành thị dễ bị dị ứng đồ ăn do phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ nhỏ. Ngược lại, trẻ con ở nông thôn lại có hệ miễn dịch mạnh hơn do đã được làm quen với nhiều loại vi khuẩn có trong tự nhiên.