Không chỉ không lấy được bất cứ báu vật nào trong cổ mộ của công chúa cao quý thời Đường (Trung Quốc) mà kẻ trộm mộ còn bỏ mạng vì bị đồng bọn giết hại, phải chôn thân dưới lòng đất cả nghìn năm.
Lối vào cổ mộ của công chúa Vĩnh Thái. (Ảnh Sohu).
Theo Sohu, thời cổ đại, ở Trung Quốc, sau khi chết, các vị hoàng đế, hoàng thân quốc thích và con cháu của họ thường được an táng trong những lăng mộ khổng lồ, nguy nga, hoành tráng cùng nhiều đồ tùy táng vô cùng quý giá. Điều này khiến những kẻ trộm mộ muốn làm giàu trong một sớm một chiều bất chấp nguy hiểm, thậm chí tính mạng để đi săn lùng cổ mộ tìm báu vật.
Thực tế, quá trình trộm mộ luôn tiềm ẩn vô vàn nguy hiểm. Những kẻ trộm mộ không chỉ phải đề phòng rắn độc, muỗi rừng, khí độc thoát ra từ cổ mộ mà còn cả lòng dạ của đồng bọn. Nếu như không cẩn thận sẽ vĩnh viễn bỏ mạng trong cổ mộ dưới lòng đất cùng với chủ nhân của lăng mộ, chẳng hạn như câu chuyện về bộ xương của kẻ trộm mộ trong lăng mộ của công chúa Vĩnh Thái thời nhà Đường.
Các nhà khảo cổ khai quật cổ mộ công chúa Vĩnh Thái. (Ảnh Sohu).
Theo đó, năm 1960, tại tỉnh Thiểm Tây, các chuyên gia khảo cổ phát hiện ngôi mộ của một vị công chúa thời Đường. Từ những thông tin có trên bia mộ, họ xác định được rằng ngôi mộ này là của công chúa Vĩnh Thái Lý Tiên Huệ, sinh năm 685, là con gái thứ 7 của Đường Trung Tông Lý Hiển và Vi hoàng hậu, cháu gái Võ Tắc Thiên - vị nữ hoàng đầu tiên của Trung Quốc cổ đại.
Trong "Tân Đường thư", công chúa Vĩnh Thái được mô tả đẹp đến nỗi "khiến hoa đào hoa lê cũng phải ngượng ngùng vì kém sắc". Vì thế nàng được hậu thế nhắc đến như đệ nhất mỹ nhân thời Đường.
Tuy nhiên, nàng công chúa xinh đẹp này lại chết thảm khốc. Vĩnh Thái mất năm 17 tuổi, được an táng cùng với chồng.
Nguyên nhân là do chồng nàng - Phò mã Ngụy công Võ Diên Cơ mạo phạm anh em Trương Dịch Chi - sủng nam được Võ Tắc Thiên vô cùng yêu thích rồi bị tố cáo là phỉ báng nữ hoàng nên bị Võ Tắc Thiên hạ lệnh đánh chết. Công chúa Vĩnh Thái cũng liên lụy, bị ban cho cái chết.
Những bức bích họa được vẽ trên tường trong lăng mộ công chúa xinh đẹp. (Ảnh Sohu).
Mãi đến năm 705, sau cuộc đảo chính Thần Long, Đường Trung Tông Lý Hiển giành lại được quyền lực mới bắt đầu khôi phục tước vị cho con gái của mình và chôn cất nàng một cách vô cùng cao quý.
Khi mới phát hiện ra lăng mộ của nàng công chúa xinh đẹp nhưng yểu mệnh vào năm 1960, các nhà khảo cổ đã cho rằng đây là lăng mộ của một hoàng tử bởi kích thước lớn cùng sự nguy nga tráng lệ của nó. Ngoài ra trong lăng mộ cũng có rất nhiều cổ vật, bảo vật quý giá cùng những bức bích họa ngàn vàng bất chấp lăng mộ đã từng bị giới đạo mộ ghé thăm. Những kẻ đạo mộ được cho là đã lấy đi nhiều vàng bạc châu báu, đồ trang sức quý giá nhưng không quan tâm đến những món đồ gốm hay bích họa trong lăng mộ.
Một bức bích họa tuyệt đẹp khác. (Ảnh Sohu).
Điều bất ngờ là các nhà khảo cổ còn phát hiện trong lăng mộ 1 bộ xương khô của nam giới gục chết giữa lối đi. Bên cạnh bộ xương là một chiếc rìu đã rỉ sét, phía bên trên đỉnh đầu của người này còn một chiếc lỗ.
Bộ xương nam giới bí ẩn trong lăng mộ công chúa Vĩnh Thái. Ảnh Sohu.
Sau khi tiến hành giám định bộ xương, các chuyên gia biết được rằng người đàn ông này không cùng thời với công chúa Vĩnh Thái mà sống vào khoảng thời Ngũ Đại Thập Quốc và đầu thời nhà Tống.
Theo các nhà khoa học, người đàn ông rất có thể đã bị đồng bọn giết hại sau khi vào được lăng mộ của công chúa Vĩnh Thái. Tên đồng bọn của nạn nhân có lẽ đã nổi lòng tham, muốn chiếm đoạt kho báu một mình, nên đã lén đánh chết nạn nhân, khiến người này phải chôn thân trong mộ cổ cả nghìn năm.