Khoảng 44.000 di tích cổ, đền miếu và các địa danh văn hóa ở Trung Quốc đã biến mất, theo kết luận của cuộc tổng điều tra di sản đầu tiên của nước này trong hơn 20 năm qua.
Khoảng 1/4 các địa danh đang ở trong tình trạng xuống cấp.
Lý giải về thực trạng trên, báo giới Trung Quốc cho hay nhiều địa danh không được bảo vệ và bị phá hủy để mở đường cho các dự án xây dựng.
Cuộc điều tra, do Cục quản lý Di sản văn hóa Nhà nước Trung Quốc tiến hành, ghi nhận sự đăng ký 700.000 điểm di sản.
Ông Liu Xiaohe, Phó giám đốc đội khảo sát cho biết phát triển kinh tế là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những mất mát của các di sản văn hóa.
Không phải tất cả các sản vật di tích của Trung Quốc đều được bảo
quản tốt như đội quân đất nung của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng
Tại khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất, tỉnh Thiểm Tây, nơi cư trú của đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, các số liệu thống kê cho thấy hơn 3.500 di sản văn hóa đã biến mất.
Không có tòa nhà hay di tích cụ thể nào được nêu ra trong cuộc tổng điều tra.
Các phóng viên cho biết thậm chí ngay cả Vạn Lý Trường Thành cũng bị đe dọa bởi sự xói mòn và phát triển trái phép, khách du lịch và người dân địa phương đều phớt lờ các nguyên tắc bảo tồn di sản và tự áp dụng mức phí quản lý riêng.