Các nhà khoa học Trung Quốc vừa nhân bản vô tính thành công 3 con bò siêu sữa, cung cấp lượng sữa nhiều hơn hẳn bình thường. Báo chí nước này gọi đây là một bước đột phá cho ngành công nghiệp sữa Trung Quốc, giúp giảm phụ thuộc vào giống nhập khẩu.
Ba con bê được các nhà khoa học tại ĐH Khoa học Nông lâm và Công nghệ Tây Bắc nhân bản, ra đời ở khu tự trị Ninh Hạ hôm 23/1, Nhật báo Ninh Hạ đưa tin.
Một đàn bò sữa ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Chúng được nhân bản từ bò sữa năng suất cao thuộc giống bò Hà Lan. Những cá thể được lựa chọn có thể sản xuất 18 tấn sữa mỗi năm, tức 100 tấn sữa trong cả đời chúng.
Lượng sữa đó gấp 1,7 lần mức trung bình của bò sữa ở Mỹ năm 2021, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Con bê đầu tiên ra đời ngày 30/12/2022 bằng phương pháp mổ bắt thai, vì khá to (56,7kg), một quan chức địa phương nói với báo chí.
Các nhà khoa học tạo ra 120 phôi thai từ tế bào tai của giống bò sữa năng suất cao rồi đưa vào bò mang thai hộ.
Jin Yaping, trưởng dự án, cho rằng sự ra đời của những con bò siêu sữa là “bước đột phá”, giúp Trung Quốc bảo tồn giống bò sữa tốt nhất “theo cách hiệu quả nhất về kinh tế”, Global Times đưa tin.
Cứ 10.000 con bò sữa ở Trung Quốc mới có 5 con có thể tạo ra 100 tấn sữa trong suốt đời chúng, vì thế chúng trở thành nguồn nhân giống quý giá. Tuy nhiên, người ta không thể phát hiện những con bò sữa năng suất cao cho đến khi tuổi thọ của chúng kết thúc, vì thế rất khó nhân giống, ông Jin cho biết.
Trung Quốc phải nhập tới 70% bò sữa từ nước ngoài, theo bài viết của Global Times.
“Chúng tôi định tạo đàn gồm hơn 1.000 con bò siêu sữa trong 2 - 3 năm, tạo nền tảng vững chắc để giúp Trung Quốc thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào bò sữa nước ngoài và nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung”, ông Jin nói với tờ báo.
Trung Quốc đạt được tiến bộ đáng kể về công nghệ nhân bản vô tính trong những năm gần đây.
Năm ngoái, một công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này tạo ra con sói Bắc cực nhân bản đầu tiên trên thế giới.
Năm 2017, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã tạo ra những gia súc nhân bản kháng bệnh lao, căn bệnh đe dọa động vật ở nhiều quốc gia.