Các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho biết họ đã tìm thấy một số văn tự nguyên ít nhất 5.000 tuổi trên những mảnh vỡ của hai rìu đá cổ vừa được khai quật.
Mảnh vỡ rìu đá là một phần của kho chứa các đồ tạo tác - (Ảnh: BBC News)
Trước đây văn tự cổ nhất của Trung Quốc từng được biết đến, tìm thấy trên xương động vật, được gọi là “giáp cốt văn” có niên đại khoảng 3.300 năm. Điều đó có nghĩa niên đại của chúng còn xưa hơn cả chữ viết lâu đời nhất của Trung Quốc đến 1.700 năm.
Các mảnh vỡ của hai rìu đá cổ là một phần trong số các đồ tạo tác được khai quật từ năm 2003-2006 tại khu di tích phía nam thành phố Thượng Hải. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc phải mất thời gian khá lâu để nghiên cứu và phát hiện một số nét khắc trên đó.
Cao Jinyan, một học giả nổi tiếng về văn tự cổ, cho biết: "Những văn tự này có thể là dạng hình thức văn tự sớm nhất. Mặc dù chúng tôi không thể đọc chính xác ý nghĩa các “từ” khắc trên đó, nhưng chúng tôi chắc chắn nó là một dạng của từ, cho dù nó có vẻ hơi thô sơ".
Văn tự lâu đời nhất thế giới được cho là xuất phát từ vùng Lưỡng Hà, có “tuổi” hơn 5.000 năm.