Việc che sông băng ở cao nguyên Tây Tạng, theo các nhà khoa học Trung Quốc, chỉ là giải pháp tạm thời khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng.
Không khí loãng khi một nhóm các nhà khoa học lê bước qua băng tuyết gần đỉnh sông băng Dagu ở phía tây nam Trung Quốc vào một buổi sáng tháng 6 Mặt trời u ám.
Các nhà khoa học Đại học Nam Kinh phủ một phần sông băng Dagu bằng màng phản chiếu ánh sáng mặt trời vào ngày 30-6 - (Ảnh: TENCENT)
Ở độ cao 4,8km so với mực nước biển, không gian yên tĩnh ngoại trừ tiếng nước chảy - một lời nhắc nhở liên tục về việc băng tan ngay dưới chân họ.
Làm chậm quá trình tan chảy sông băng
Khi các nhà khoa học đi bộ lên phía trên, các bình dưỡng khí được nhét vào áo khoác lông cừu của họ, những người khuân vác đi bên cạnh mang theo những cuộn vải trắng dày.
Các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch trải những tấm vải đó trên hơn 400m2 của ngọn núi. Những tấm phim gắn trên miếng vải để phản chiếu các tia nắng Mặt trời trở lại bầu khí quyển, che chắn sông băng khỏi sức nóng và hy vọng bảo tồn một phần băng của nó.
Một người mang một cuộn vải trắng để che sông băng - (Ảnh: BLOOMBERG).
Trong nhiều thập kỷ, Dagu đã hỗ trợ cuộc sống của hàng chục nghìn người sống quanh đó.
Nước tan chảy của sông băng cung cấp nước uống và giúp sản xuất thủy điện. Đồng thời quang cảnh hùng vĩ của cao nguyên Tây Tạng có thể thu hút hơn 200.000 khách du lịch mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 2.000 người.
Bây giờ tất cả những thứ đó đang bị đe dọa khi hành tinh nóng lên.
Các nhà khoa học Trung Quốc không hề ảo tưởng rằng dự án của họ sẽ cứu được Dagu. Sông băng đã mất hơn 70% lượng băng trong nửa thế kỷ qua.
Chọn địa điểm để trải miếng vật liệu trắng - (Ảnh: BLOOMBERG)
Một nhà nghiên cứu đã mô tả những nỗ lực như vậy giống việc một bác sĩ chỉ đơn thuần cố gắng kéo dài tuổi thọ của một bệnh nhân mắc bệnh nan y thêm vài năm.
Cách chữa trị thực sự duy nhất là cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide đang làm nóng Trái đất, trong đó Trung Quốc là nguồn lớn nhất thế giới.
Zhu Bin, phó giáo sư 32 tuổi của Đại học Nam Kinh dẫn đầu đoàn thám hiểm, nhấn mạnh: “Tất cả các phương pháp can thiệp của con người mà chúng tôi đang nghiên cứu, ngay cả khi chúng tỏ ra hiệu quả, cũng sẽ chỉ làm chậm quá trình tan chảy”.
Thử nghiệm vật liệu mới
Các nhà khoa học từ Đại học Nam Kinh phủ một phần sông băng Dagu bằng màng phản chiếu ánh sáng Mặt trời vào ngày 30-6.
Che phủ sông băng bằng các tấm vật liệu phản chiếu không phải là một ý tưởng mới. Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu đã sử dụng miếng chăn trắng để bảo vệ tuyết trong gần hai thập kỷ.
Nhưng Trung Quốc mới chỉ bắt đầu thử nghiệm cách tiếp cận này. Các thử nghiệm nhỏ được tiến hành trên một sông băng ở Tân Cương và Dagu bắt đầu vào năm 2020 dường như đã làm chậm quá trình tan chảy của chúng.
Lần này, nhóm của Zhu đang thử nghiệm một loại vật liệu mới mà nghiên cứu của họ cho thấy có khả năng phản xạ hơn 93% ánh sáng Mặt trời và giúp Dagu chủ động giảm nhiệt.
Tấm phim được làm từ cellulose axetat, một loại sợi tự nhiên làm từ thực vật, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Chất này cũng có thể được sử dụng dưới dạng các hạt nhỏ do máy bay không người lái rải trên các sông băng khó tiếp cận hơn.
Trải những tấm vật liệu trắng trên sông băng Dagu - (Ảnh: TENCENT).
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc che phủ các phần của sông băng bằng vật liệu đặc biệt có thể làm giảm sự tan chảy của băng tuyết từ 50 - 70% so với các bề mặt không được bảo vệ.
Thí nghiệm sẽ tiếp tục trong 3-5 năm, sau đó các nhà khoa học sẽ quyết định có nên tiếp tục sử dụng vật liệu này trên các sông băng khác ở Trung Quốc hay thậm chí đưa chúng ra nước ngoài.
Phải mất hàng chục triệu năm để cao nguyên Tây Tạng vươn cao như ngày nay. Các mảng kiến tạo ở Ấn Độ và châu Á va chạm, khiến cho phần trên cùng đủ lạnh để chứa các sông băng và tuyết, cung cấp nước cho gần như tất cả các con sông lớn trong khu vực, bao gồm sông Hằng, sông Mekong và Dương Tử. Chúng là nguồn sống cho hàng tỉ người trên khắp châu Á. Nhưng hiện cao nguyên đã mất hơn 15% số sông băng chỉ trong 50 năm. |