Trung Quốc thử nghiệm loại muối ăn mới, giúp giảm bệnh tim mạch và cứu sống hàng triệu người

Rõ ràng đó là một khoản tiền nhỏ nhưng lợi ích có được trên chi phí lại rất lớn. Muối thay thế có thể tạo ra sự thay đổi trong sức khỏe, thậm chí cứu sống tính mạng những người già, những người mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Muối ăn là một thứ gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Nhưng nó cũng có thể trở thành sát thủ gây ra bệnh tim mạch. Cụ thể thì ăn quá nhiều muối sẽ gây hại cho bạn. Đó là bởi natri, một trong hai chất hóa học chính có mặt trong muối ăn, có thể làm tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ và các biến chứng tim mạch nguy hiểm khác.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Australia và Trung Quốc bây giờ muốn giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một loại muối thay thế mới. Họ bỏ bớt natri ra khỏi muối ăn và thêm vào đó kali, một nguyên tố tốt cho sức khỏe.

Thử nghiệm loại muối ăn này đã được thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2015. Cho đến nay, sau giai đoạn 5 năm (thử nghiệm bị gián đoạn do COVID-19) nó đã cho thấy kết quả rất hứa hẹn.

Bruce Neal, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George, Australia cho biết: "Hầu như tất cả mọi người trên thế giới đều ăn nhiều muối hơn mức họ cần. Nếu họ chuyển từ sử dụng muối ăn thông thường sang loại muối thay thế mới, sẽ có vài triệu ca tử vong sớm được ngăn chặn mỗi năm".


Muối ăn là một thứ gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình.

Một thử nghiệm khổng lồ được thực hiện tại Trung Quốc

Thử nghiệm loại muối mới được thực hiện trên hơn 20.000 người dân ở các vùng nông thôn ở Trung Quốc. Trong đó, Neal và các đồng nghiệp của ông đã sàng lọc những người già trong độ tuổi trung bình 65, có tiền sử đột quỵ hoặc cao huyết áp đến từ 600 ngôi làng khác nhau.

Các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm, một nhóm được cung cấp miễn phí một loại muối thay thế muối ăn, có tỷ lệ 75% sodium chloride (NaCl) và 25% potassium chloride (KCl) tính theo khối lượng.

Những người này được khuyến kích ăn muối thay thế trong vòng 5 năm, đồng thời giảm lượng tiêu thụ để tối đa hóa mức giảm natri tổng thể của họ.

Trong khi đó, một nhóm đối chứng vẫn tiếp tục sử dụng muốn ăn thông thường trong nấu nướng cũng như chế biến thực phẩm như họ vẫn thường làm. Các nhà khoa học chỉ đơn giản là theo dõi cuộc sống và sức khỏe của họ sau này.

Kết quả ở cuối cuộc nghiên cứu đã cho thấy một sự tương phản thực sự trong hai nhóm.

Tính trên tổng thể, sau 5 năm nghiên cứu đã có hơn 4.000 tình nguyện viên tử vong, hơn 3.000 người bị đột quỵ và hơn 5.000 người khác mắc một trong số các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Đó là những con số rất đáng buồn, nhưng cũng không làm các nhà khoa học quá ngạc nhiên bởi tuổi tác những người này đều đã cao, hơn nữa lại đều có sẵn bệnh nền.

Tuy nhiên, có một tín hiệu khả quan được ghi nhận. Đó là trong số những người sử dụng muối thay thế, tỷ lệ đột quỵ của họ đã giảm đáng kể, từ trung bình hơn 33 cơn đột quỵ/1.000 người/năm xuống còn dưới 30 cơn đột quỵ/1.000 người/năm.

Khả năng gặp phải các biến chứng tim mạch của nhóm này cũng thấp hơn (49 trường hợp so với 56 trường hợp trong nhóm ăn muối thường. Tỷ lệ tử vong cũng giảm từ 44 xuống còn 39 trường hợp trên 1.000 người mỗi năm.

Về cơ bản, đó là mức giảm 13% trong nguy cơ đột quỵ và đau tim, 12% trong nguy cơ tử vong sớm.


Người Trung Quốc cho rất nhiều muối vào các món ăn của họ.

Hàng triệu người sẽ được cứu sống mỗi năm

Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này của họ đã xác nhận một nghiên cứu trước đó ở Trung Quốc, cho thấy nếu người dân chuyển từ muối natri thông thường sang loại pha kali, khoảng 460.000 người dân sẽ được cứu sống mỗi năm.

Ngoại suy kết quả này cho dân số toàn thế giới, Neal và các nhà nghiên cứu cho biết hàng triệu người sẽ có thể sống lâu hơn nếu họ sử dụng muối thay thế. Tuy nhiên chỉ có một rào cản cho mục tiêu này, đó là cách mà mọi người trên thế giới đang tiêu thụ muối khác với ở vùng nông thôn Trung Quốc.

"Ở các ngôi làng Trung Quốc... người dân thường không tiếp cận được với các loại thực phẩm chế biến. Nguồn natri clorua trong chế độ ăn uống của họ chủ yếu đến từ muối ăn mà họ thêm vào trong quá trình nấu nướng cho hộ gia đình", bác sĩ nhi khoa Julie R. Ingelfinger từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết.

"Ngược lại, ở phần lớn các khu vực khác trên thế giới, natri clorua trong chế độ ăn đến từ các loại thực phẩm chế biến, khi nhà sản xuất cần thêm rất nhiều muối vào sản phẩm của họ để tăng thời lượng bảo quản. Do đó, việc chuyển sang sử dụng muối thay thế muối ăn sẽ không hoàn toàn có tác dụng".

Nhưng nó cũng đặt ra một hướng giải quyết vấn đề mới. Đó là nếu chính các nhà sản xuất thực phẩm chế biến thay thế muối natri clorua sang loại pha kali clorua trong sản phẩm của mình, tác động tới sức khỏe toàn dân sẽ rất lớn.

Rào cản chỉ là về mặt chi phí. Các nhà nghiên cứu cho biết muối pha kali thường đắt hơn 50% so với muối natri. Do đó, các nhà sản xuất công nghiệp thường không mong muốn chuyển đổi.


Các loại bim bim thường chứa rất nhiều muối để tăng thời gian bảo quản.

Ngược lại trên quy mô hộ gia đình, giá muối rất rẻ, chỉ khoảng hơn 1 USD/cân, có thể thúc đẩy người dân chuyển đổi dễ dàng hơn. Neal nói: "Mặc dù các sản phẩm thay thế muối đắt hơn một chút so với muối thông thường, nhưng chúng vẫn rất rẻ - bạn chỉ tốn hơn có vài đô la mỗi năm".

Rõ ràng đó là một khoản tiền nhỏ nhưng lợi ích có được trên chi phí lại rất lớn. Muối thay thế có thể tạo ra sự thay đổi trong sức khỏe, thậm chí cứu sống tính mạng những người già, những người mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí NEJM .

Cập nhật: 07/09/2021 Theo Pháp luật & bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video