Trung Quốc tiết lộ kế hoạch không gian đầy tham vọng

Trung Quốc tuyên bố phóng kính viễn vọng "xịn" hơn Hubble, có thể đo cả tỉ thiên hà

Dựa vào những thành tựu ấn tượng trong 5 năm qua, Trung Quốc tự tin đẩy mạnh các sứ mệnh không gian tầm cỡ trong nửa thập kỷ tới.

Hôm 28/1, quốc gia này đã phát hành sách trắng mang tên "Chương trình Không gian Trung Quốc: một viễn cảnh sau năm 2021", trong đó ghi lại những thành tựu nổi bật trong 5 năm qua và phác thảo các kế hoạch ưu tiên trong 5 năm tới về thám hiểm không gian.

Kể từ năm 2016 đến tháng 12/2021, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 207 sứ mệnh. Đó là một con số ấn tượng nhưng nước này chưa hài lòng về sự ổn định hiện tại của các phương tiện phóng.

Tài liệu nêu rõ: "Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu suất của hệ thống vận tải vũ trụ; tiến nhanh hơn để nâng cấp các phương tiện phóng; đa dạng hơn nữa các dòng phương tiện phóng; đưa vào vũ trụ tên lửa có người lái thế hệ mới và tên lửa chở nhiên liệu rắn có lực đẩy cao; tăng tốc độ R&D [nghiên cứu và phát triển] các phương tiện phóng hạng nặng".


Mô phỏng trạm vũ trụ Thiên Cung khi hoàn thiện. (Ảnh: Bisbos)

Trung Quốc đã phóng Thiên Hà, module lõi của trạm vũ trụ mới (Thiên Cung), vào tháng 4/2021 và gửi 6 phi hành gia đến phòng thí nghiệm quỹ đạo không lâu sau đó, trong hai sứ mệnh vào tháng 6 và tháng 10. Nước này có kế hoạch hoàn thành xây dựng trạm trong năm nay, một nhiệm vụ sẽ đòi hỏi sự bổ sung của hai module khác, được gọi là Vấn Thiên và Mộng Thiên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển một kính viễn vọng không gian khảo sát bầu trời mang tên Xuntian. Nó có một gương chính đường kính 2m, với trường nhìn lớn hơn gấp 300 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và ESA. Công cụ dự kiến được phóng lên quỹ đạo vào năm 2024.

Kính viễn vọng không gian Xuntian (CSST) là một đài quan sát quang học trong không gian, cho phép các nhà thiên văn học tiến hành các cuộc khảo sát bầu trời và chụp bản đồ hoặc ảnh chung về bầu trời.

Theo nhà khoa học Li Ran của dự án CSST, Xuntian có thể quét được hình ảnh của 40% bầu trời và chuyển tiếp dữ liệu khổng lồ về Trái đất, để các nhà khoa học trên toàn thế giới kiểm tra.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn tuyên bố kính thiên văn sẽ đo vị trí, hình dạng và độ sáng của gần một tỉ thiên hà, điều này có thể giúp giải thích cách chúng tiến hóa.

Kính viễn vọng Xuntian được kết nối với Trạm vũ trụ Tiangong sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Kính thiên văn này được đặt trên cùng quỹ đạo với trạm vũ trụ, nhưng bình thường chúng hoạt động cách xa nhau. Chỉ khi cần thiết, kính viễn vọng mới cập bến trạm vũ trụ để tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã, ông Liu Jifeng, phó giám đốc Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC), tuyên bố mặc dù khẩu độ của kính thiên văn là 2m, nhưng nó có trường nhìn lớn hơn gấp 350 lần so với của Hubble.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, CSST có thiết kế gồm ống kính có 3 gương, cho phép hình ảnh đạt được chất lượng vượt trội trong phạm vi tầm nhìn lớn.

Quốc gia Đông Á cũng đặt mục tiêu đưa con người đặt chân lên Mặt trăng trong tương lai gần. Trong nửa thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ "tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm kế hoạch hạ cánh xuống Mặt trăng cho phi hành gia trong nước, phát triển tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới và nghiên cứu các công nghệ quan trọng để tạo nền tảng cho việc khám phá vùng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng".

Vào tháng 1/2019, sứ mệnh Thường Nga 4 của Trung Quốc đã trở thành phi vụ đầu tiên hạ cánh nhẹ nhàng một tàu thám hiểm xuống phía xa của Mặt trăng. Vào tháng 12/2020, tàu Thường Nga 5 đã mang các mẫu Mặt trăng nguyên sơ trở lại Trái đất, lần đầu tiên sau hơn 50 năm. Đến tháng 2/2021, sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của Trung Quốc, Thiên Vấn 1, đã đi vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa, và vào tháng 5 năm đó, tàu thám hiểm Chúc Dung đã tách khỏi tàu quỹ đạo Thiên Vấn 1 và hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ.

Trung Quốc dự định sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa về thăm dò bằng robot trong 5 năm tới. Theo sách trắng, nước này sẽ khởi động thêm sứ mệnh Thường Nga 6 để lấy mẫu tại một vùng cực của Mặt trăng; Thường Nga 7 để thực hiện một cuộc hạ cánh chính xác xuống vùng tối của Mặt trăng và tìm kiếm băng nước; đồng thời hoàn thành nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng cho tàu Thường Nga 8, được thiết kế để đặt nền móng cho một tiền đồn nghiên cứu trên Mặt trăng.

Các kế hoạch đầy tham vọng khác như lấy mẫu đất sao Hỏa đem về Trái đất, khám phá hệ thống sao Mộc và thăm dò ranh giới của hệ Mặt Trời cũng được nêu rõ trong sách trắng.

Cập nhật: 11/05/2022 Theo VnExpress/Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video