Liên tiếp trong những ngày qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều người bị ngộ độc nấm rất nghiêm trọng.
4 người chết
Tráng Thị Sang (9 tuổi) và Bàn Văn Thỏng (24 tuổi), hai nạn nhân của vụ ngộ độc nấm tại xã Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang (Ảnh: N.Hà) |
Ba gia đình ở xóm bản Dâng, xã Cao Bồ, Hà Giang ngộ độc nấm từ ngày 21-2. Sáu người ăn nấm, trong đó có ba trường hợp nặng đều ở gia đình anh Tráng Văn Đồn (30 tuổi, dân tộc Dao). Cũng chỉ 10 ngày sau đó, cả anh Đồn và cậu con trai 13 tuổi đều tử vong do độc tố từ nấm quá mạnh.
Bé Tráng Thị Sang (9 tuổi), con gái anh Đồn, lập tức được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 1-3. Sáng 14-3 Sang đã được ra viện. Tuy nhiên, một người hàng xóm của bé Sang, anh Bàn Văn Thỏng (24 tuổi), vẫn phải nằm viện điều trị lâu dài do đã bị suy thận nặng.
Không nên ăn nấm lạ
Các bác sĩ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết gần như là chắc chắn các bệnh nhân này đã ăn phải loại nấm độc xanh đen (tên khoa học là Amanita phalloid).
Không nên ăn các loại nấm lạ (Ảnh: HTV) |
Như trường hợp ngộ độc ở Hà Giang, sau khi ăn gần một ngày mới có các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu... Do đó các gia đình đều chủ quan, nghĩ đơn giản là uống nhiều rượu mới bị hành vậy.
Mặt khác, diễn biến của các ca ngộ độc nấm rất phức tạp khiến việc tiên lượng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn khẳng định năm nào trung tâm cũng tiếp nhận những ca ngộ độc nấm gây tử vong. Biện pháp dự phòng tốt nhất là không nên ăn nấm lạ, dù có đẹp, mập mạp đến mấy, thậm chí ăn vào ban đầu còn thấy ngọt.Tất cả các loại nấm hoang, nấm không rõ nguồn gốc đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gây chết người.
NGỌC HÀ