Tục tuẫn táng: Phi tần bị ép uống thuốc độc, đổ thủy ngân vào người và nhiều phương pháp man rợ trước khi bị chôn sống cùng vua

Tuẫn táng là gì? Lý giải tục tuẫn táng Trung Hoa xưa

Trong lịch sử Trung Hoa, một trong những tập tục ghê rợn và độc ác nhất chính là tuẫn táng (chôn sống theo người chết để thờ phụng).

Vào thời Tần Hán, tuẫn táng cực kỳ thịnh hành. Theo quan điểm của người xưa, tuẫn táng là cách để đảm bảo người chết dù sang đến thế giới bên kia vẫn luôn được hầu hạ và sống sung sướng như lúc sinh thời. Ngoài việc chôn các vật dụng hàng ngày hay đồ trang sức đắt tiền thì những người giàu có, quyền lực còn chôn súc vật hay người sống theo cùng để bảo vệ lăng mộ của mình không bị người đời sau quấy phá.

Theo sử sách, có rất nhiều cách để ép cung tần tuẫn táng cùng đế vương. Ngoài phương pháp treo cổ thịnh hành vào thời nhà Minh, còn có phương pháp uống thuốc độc để tránh việc người bị ép tuẫn táng phản kháng và không phải chịu nhiều dày vò đau khổ.

Bên cạnh ép uống thuốc độc, đổ thủy ngân cũng rất thông dụng. Theo dân gian, người nhiễm độc thủy ngân mà chết thân thể không bị mục rữa, dù qua trăm ngàn năm hình dáng vẫn trẻ trung hệt như còn sống. Những người được lựa chọn sẽ bị đưa vào một căn phòng, cho uống nước trà có thuốc mê. Chờ những cung tần này đã ngủ say, thái giám sẽ cắt da trên đỉnh đầu thành hình chữ thập. Người thi hành tay cầm thìa đồng, rót từng thìa thủy ngân vào vết cắt. Sau khi rót vào số lượng thủy ngân nhất định sẽ dùng kim chỉ khâu chỗ cắt lại. Công việc hoàn thành cũng là lúc những phi tần này bị nhiễm độc thủy ngân mà chết.


Theo sử sách, có rất nhiều cách để ép cung tần tuẫn táng cùng đế vương. (Ảnh: Internet).

Còn có một loạt cách tuẫn táng đặc biệt khác là chuốc thuốc mê rồi trói tay chân người bị lựa chọn, bẻ thành những tư thế nhất định, sau đó chôn sống. Trong nhiều lăng mộ, các nhà khảo cổ cũng phát hiện những thi thể nữ tay chân có dấu vết bị trói, cơ thể bị bẻ cong, đầu quay sang một phía cực kỳ quái dị. Không ít lần người ta còn phát hiện cả hài cốt trẻ con. Các chuyên gia khẳng định đây cũng là một hình thức tuẫn táng với mục đích canh giữ lăng mộ.

Dù tuẫn táng được coi là hành vi dã man nhưng trong nhiều tình huống vẫn có những cung tần chủ động chết để theo hầu đế vương, điển hình là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân vào cuối thời nhà Minh. Ngoại trừ đại phi A Ba Hợi bị ép phải tuẫn táng thì 4 cung nữ của ông đều xin tự sát để theo hầu. Với họ được chết theo đại hãn là quyền lợi và vinh dự. Những vụ tuẫn táng người sống với quy mô lớn gây tranh cãi trong giới khảo cổ học có thể kể đến như sau:

1. Tần Thủy Hoàng: Số lượng người tuẫn táng nhiều không đếm xuể

Theo sử sách, Tần Thủy Hoàng Doanh Chính là vị hoàng đế có số lượng phi tần, cung nữ tuẫn táng nhiều nhất. Thuở sinh thời, Tần Thủy Hoàng mỗi lần đánh thắng một quốc gia đều thu nạp thêm rất nhiều người đẹp. Vì dàn hậu cung khổng lồ của mình thiếu chỗ ở nghiêm trọng mà ông phải cho người xây dựng thêm rất nhiều cung điện hoa lệ.

Khi Tần Thủy Hoàng băng hà, tất cả những phi tần từng theo ông mà chưa có con đều không được thả ra mà phải tuẫn táng. Nhiều sử sách mô tả khung cảnh ấy lúc cực kỳ bi thảm và kinh khủng: "Tiếng khóc làm rung động đất trời, ai vô tình nghe thấy cũng sợ đến bay cả hồn vía". Tư Mã Thiên từng mô tả rằng số lượng người tuẫn táng theo Tần Thủy Hoàng nhiều đến mức chẳng thể nào đếm nổi. Ngoài các vị cung tần, trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng còn có không ít binh lính và những người thợ tham gia quá trình xây mộ cho ông.


Đội quân đất nung trong lăng mộ vua Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Internet).

2. Chu Nguyên Chương: 46 vị phi tần tuẫn táng

Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương sau khi chết có đến 46 vị phi tần phải tuẫn táng. Ngoại trừ 2 người chết trước Thái tổ thì 2 bên lăng mộ của ông người phát hiện có đến hàng chục ngôi mộ nhỏ vây quanh. Dựa vào truyền thuyết và sử sách, các nhà sử học suy đoán đây chính là nơi yên nghỉ của các phi tần tuẫn táng theo Chu Nguyên Chương.

Theo truyền thuyết, lúc Chu Nguyên Chương hạ táng, người ta đã lập một "mê hồn trận". Cùng ngày, 13 cửa lớn của kinh thành đồng loạt được mở ra để vận chuyển quan tài phi tần ra lăng mộ. Theo giới phong thủy, đây là một thủ phép dùng để che mắt người đời khi hạ táng lăng mộ. Bằng cách này người ta có thể chống lại những kẻ đào trộm mộ. Các lăng mộ của dàn phi tần tuẫn táng cũng được dùng để đánh lạc hướng những kẻ đạo trộm mộ, giúp giấc ngủ thiên thủ của Hoàng đế không bị quấy rầy.

Để an ủi gia đình của các phi tần, Chu Duẫn Văn - cháu trai của Chu Nguyên Chương, người được Chu Nguyên Chương truyền ngôi - còn tiến hành khen thưởng sau khi Chu Nguyên Chương qua đời. Những vị quan lớn có con gái bị lựa chọn tuẫn táng theo vua đều được phong thưởng làm "thiên hộ", "bách hộ" và được phép cha truyền con nối.

3. Chu Lệ: 30 cung tần chết theo vua

Theo sử sách Triều Tiên ghi chép, số lượng cung tần chết theo Thành Tổ Chu Lệ lên đến 30 người. Phương thức chủ yếu được lựa chọn là tự vẫn và tuyệt thực tập thể. Trong số đó có 2 người do Triều Tiên cống nạp là Hàn Thị và Thôi Thị. Tới gần giờ phải "tự vẫn", Hàn Thị đã quỳ gối hướng về phía Minh Nhân Tông cần xin được đưa về quê hương để phụng dưỡng mẹ già nhưng không thành.

Vào giữa trưa, hơn 30 người cung tần được lựa chọn đều bị đưa ra ngoài điện để ăn cơm lần cuối, sau đó đưa vào điện thờ. Nhắc đến cảnh tượng này, người ta từng miêu tả là "tiếng khóc làm rung chuyển cung đình". Trong điện có 30 tấm ván gỗ được xếp cẩn thận, các phi tần này đều đứng trên ván gỗ, trên đầu là những sợi dây "tự vẫn" đã được chuẩn bị sẵn: "Đưa đầu vào tròng, rút đi ván gỗ, tất cả đều bị gãy cổ, nghẹt thở mà chết".

Cập nhật: 22/05/2020 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video