Tương lai của nghề nuôi cá là ở... trên cạn

Các hệ thống mới giúp cắt giảm lượng nước và ô nhiễm đã cho phép nuôi cá ở mọi nơi trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới cho rằng 90% lượng cá trên thế giới được đánh bắt đang vượt quá khả năng của các đại dương. Vì vậy, việc nuôi cá đang dần trở nên cấp bách khi nhu cầu thế giới ngày một tăng.

Nuôi cá không gây ô nhiễm

Tuy nhiên, giống như canh tác trên đất liền, nuôi thủy sản có thể gây ra thiệt hại về môi trường. Nhiều loài cá được nuôi trong lồng lưới, ở sông hoặc ngoài biển khơi.

Thức ăn thừa và chất thải của cá có thể gây ô nhiễm vùng nước xung quanh. Chưa kể nuôi nhiều cá gần nhau có nguy cơ bùng phát dịch bệnh và ký sinh trùng từ vùng nước mở tràn vào. Điều đó đòi hỏi thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để giữ cho cá khỏe mạnh.


90% lượng cá trên thế giới được đánh bắt đang vượt quá khả năng của các đại dương - (Ảnh: ALAMY)

Nhưng một "hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn" hay gọi tắt là RAS đang được phát triển mạnh có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm trên.

RAS đang được ứng dụng tại Salten Smolt, một trong những trại cá tiên tiến nhất thế giới nằm ở vịnh Skjerstad Fjord, phía bắc Na Uy.

Bên trong tòa nhà chính rộng 7.000m² của trại là những bể chứa có khả năng sản xuất 8 triệu con cá hồi Đại Tây Dương/năm.

Hệ thống lọc RAS giúp nuôi cá trên cạn trong các bể. Nước liên tục được làm sạch và tái chế.

Điều đó mang lại 3 lợi thế lớn. So với các hệ thống nuôi thủy sản tiêu chuẩn, trang trại RAS sử dụng ít nước hơn nhiều khi có thể giảm hơn 99% lượng nước sử dụng. Đồng thời cho phép người nuôi chăm sóc cá tốt hơn và có thể nuôi các loài kén chọn ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tại các trang trại RAS, các chất rắn không mong muốn - phần lớn là phân cá và thức ăn thừa - được xử lý trước tiên. Phần lớn chất thải còn lại là amoniac, cũng như phốt pho và kim loại nặng, cũng được xử lý.

Ông John Sällebrant, giám đốc sản xuất của Salten Smolt, cho biết công ty thu hồi chất thải và làm khô phân cá, cũng như thức ăn thừa, để chuyển đổi thành phân bón nông nghiệp.

Theo ông Kari Attramadal - trưởng bộ phận nghiên cứu của Nofitech, một công ty nuôi thủy sản của Na Uy, chất thải ra môi trường từ các trang trại nuôi cá chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá. Trong đó nitrat có thể được sử dụng làm thức ăn cho cây trồng thủy canh.

Nông nghiệp chính xác

Giữ cá sống trong bể nhân tạo phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hệ thống RAS. Tiến sĩ Attramadal cho biết nếu hệ thống oxy bị lỗi, cá có thể bắt đầu chết trong vòng 8 phút. Nhưng nhu cầu giám sát cẩn thận đó cũng mang lại một nền nông nghiệp chính xác.

Ví dụ cá hồi thích nước lạnh. Bể được kiểm soát nhiệt độ sẽ cung cấp nhiệt độ lý tưởng mọi lúc mà không phải lo lắng về dòng chảy, thủy triều hay thời tiết, thúc đẩy tốc độ phát triển của cá.

ReelData, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Nova Scotia, sử dụng dữ liệu từ camera và cảm biến trong các bể RAS để ước tính mức độ đói của cá, cân nặng của chúng và thậm chí để đánh giá mức độ căng thẳng của chúng. Công ty cho biết công nghệ của họ có thể nâng cao năng suất của trang trại lên tới 20%.

Nhược điểm của RAS là chi phí cao. Đó cũng là lý do tại sao nhiều hệ thống hiện tại tập trung vào cá hồi, một loài cá tương đối đắt tiền.

Hải sản chiếm khoảng 17% lượng protein tiêu thụ trên thế giới (ở một số vùng của châu Á và châu Phi, con số này gần 50%). OECD, câu lạc bộ các nước giàu, tính toán mức tiêu thụ cá toàn cầu sẽ đạt 180 triệu tấn/năm vào cuối thập kỷ này, tăng từ 158 triệu tấn năm 2020.

Cập nhật: 06/06/2023 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video