Nồng độ cồn trong bia thấp hơn rượu nên thời gian đào thải cồn trong máu về 0 nhanh hơn, điều này đúng hay sai?
Bia được sản xuất bằng cách lên men đường và lúa mạch. Nồng độ cồn trong thức uống này thường dao động 3-12%, thấp hơn so với rượu.
Tốc độ đào thải cồn phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ cồn cũng như sức khỏe của từng người.
Rượu là loại đồ uống có cồn phổ biến, được sản xuất bằng cách lên men đường và trái cây hoặc ngũ cốc khác nhau như nho, lúa mạ, lúa mì, lúa mạch, ngô. Nồng độ cồn trong rượu thường cao hơn so với bia, dao động 10-20% theo thể tích.
Dù vậy, tốc độ đào thải nồng độ cồn về 0 không phụ thuộc vào loại đồ uống (bia hay rượu) mà phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ cồn cũng như sức khỏe của từng người.
Rượu thường có nồng độ cồn cao hơn nên nếu bạn tiêu thụ cùng một lượng, ví dụ 450 ml bia có 5% cồn và 450 ml rượu có 12% cồn, cơ thể phải đào thải một lượng cồn lớn hơn khi uống rượu. Điều này có thể làm tác động của rượu mạnh hơn và kéo dài thời gian cồn duy trì trong cơ thể.
Tốc độ đào thải cồn được ước tính là khoảng 0,015 đến 0,020 gram cồn trên 100 ml máu mỗi giờ. Tuy nhiên, tốc độ này có thể biến đổi dựa trên nhiều yếu tố như cân nặng, giới tính, sức khỏe tổng thể và lịch sử tiêu thụ.
Lưu ý, khi tiêu thụ đồ uống có cồn, bạn không lái xe, không tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tập trung. Để đảm bảo sức khỏe tốt, quan trọng hơn hết là nên duy trì lối sống lành mạnh và cân nhắc khi tiêu thụ cồn.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn
Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108