Sẽ có khoảng 60 triệu bệnh nhân AIDS tử vong đến năm 2015. Bất chấp những nỗ lực từ các chính phủ, đại dịch thế kỷ cũng sẽ gây ra những mất mát hết sức to lớn cho hầu hết mọi cộng đồng
Thế nhưng, cho đến lúc này, một loại vắc-xin hữu hiệu chủng ngừa lây nhiễm HIV vẫn còn bỏ ngỏ, khiến AIDS dễ dàng qua mặt trận dịch hạch Balck Death hồi thế kỷ XIV để trở thành dịch bệnh giết người đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Cho đến cuối năm 2007, ước tính có hơn 30 triệu người chết do AIDS, và gấp đôi ngần ấy nạn nhân bị nhiễm HIV...
Nguồn gốc lây bệnh
Các phân tích di truyền cho thấy, tổ tiên của HIV xuất phát từ loài linh trưởng, đã hiện diện từ hơn triệu năm trước và có liên hệ với loại virus tiến hóa trên khỉ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng lây nhiễm giữa các loài không thể xảy ra mãi cho đến những năm 1930, HIV mới lây lan sang người tại Trung Phi qua các tiếp xúc và ăn thịt tinh tinh. Sau đó, nó biến đổi thành HIV-1, dạng virus lây lan mạnh nhất; và HIV-2, chỉ giới hạn ở Tây Phi, có khả năng lây sang người từ những năm 1960 do ăn thịt khỉ...
Bắt đầu từ đó, AIDS lây lan mạnh tại Mỹ và châu Phi trong suốt những năm 1970, nhưng đã không được nhận diện. Mãi cho đến 1981 khi những đối tượng đồng tính luyến ái và tiêm chích ma túy ở New York và California được chẩn đoán bị chứng ung thư da Kaposi’s sarcoma và viêm phổi (pneumonias) không có khả năng chữa trị; đã có 121 người tử vong tại Mỹ đến cuối năm 1981 và con số này nhanh chóng tăng lên 17.000 người trong 6 năm tiếp theo. Lúc bấy giờ, các nhà khoa học Mỹ chỉ phỏng đoán căn bệnh bí hiểm này lây lan do một tác nhân lây nhiễm. Mãi đến năm 1984, tác nhân này mới được hai chuyên gia Luc Montagnier ở Viện Pasteur Paris (Pháp) và GS Robert Gallo ở Viện Ung thư Quốc gia Washington (Mỹ) nhận diện và đặt tên là HIV (Human Immunodeficiency Virus: virus gây ra chứng khiếm khuyết miễn dịch ở người).
Ngay sau sự xuất hiện gây chấn động của AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome: hội chứng khiếm khuyết miễn dịch mắc phải) ở Mỹ, căn bệnh cũng được phát hiện tại châu Âu. Tuy nhiên, nạn nhân không chỉ có các đối tượng đồng tính luyến ái, tiêm chích ma túy mà cả đàn ông và phụ nữ có quan hệ tình dục khác giới cũng bị, đặc biệt dịch bệnh lan nhanh với tỉ lệ báo động tại vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi. Hiện nay tại khu vực này, cứ 5 người thì có 1 đang sống với virus HIV. Dịch bệnh AIDS cũng đang là mối đe dọa đối với các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác...
Vắc-xin chủng HIV/AIDS?
Chu kỳ tái tạo của HIV |
Giới chức y tế của nhiều quốc gia, lãnh thổ hiện đang nỗ lực tập trung vào việc ngăn ngừa nguy cơ lây lan HIV/AIDS, và coi công tác này là trọng tâm. Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là loại vắc-xin ngừa bệnh này, nhưng khả năng này hiện vẫn quá xa vời sau hơn 20 năm tìm kiếm kể từ ngày HIV/AIDS được nhận diện. Một phần vì HIV có khả năng biến đổi nhanh, trong khi một loại vắc-xin không chỉ đòi hỏi phải hội đủ khả năng tạo ra kháng thể để tấn công virus (theo cách mà hầu hết các loại vắc-xin tác dụng), mà còn phải cần có khả năng kích thích sản sinh các tế bào T – những “chiến binh” bảo vệ cơ thể trước các tác nhân ngoại nhập. Hàng loạt vắc-xin đặc chủng đã được thử nghiệm tại Nam Phi, Kenya, Mỹ và Thái Lan, trong khi một số loại vắc-xin gây tranh cãi khác được sản xuất từ máu của người nhiễm HIV cũng được kiểm tra ở Nigeria và Thái Lan... Nhưng nhìn chung đều không cho kết quả hứa hẹn nào.
Vẫn chưa có thuốc chữa AIDS hiệu quả
Cho đến lúc này, vẫn không có một phương thuốc nào thực sự hữu hiệu để chữa trị AIDS ngoài một nhóm tác nhân sinh dược, gồm cả những loại gây tác dụng phụ, nhưng chỉ có tác dụng làm chậm lại tiến trình phát bệnh AIDS mà thôi. Để chữa trị AIDS, các chuyên gia thường sử dụng kết hợp đồng thời một hỗn hợp gồm từ 3 hay nhiều hơn các dạng sinh dược khác nhau, vì cách này sẽ giúp làm chậm lại khả năng kháng thuốc của HIV. Tuy nhiên, virus này vẫn có khả năng tiến hóa nhanh để vô hiệu hóa hầu hết các loại biệt dược, đặc biệt khi chế độ chữa trị không được tuân thủ nghiêm khắc...
Cho dù các loại thuốc và phương cách chữa trị này đều sẵn có tại các nước phương Tây, nhưng chính chi phí cao khiến phần lớn bệnh nhân AIDS không thể kham nổi. Các cơ quan quốc tế đang nỗ lực tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận chữa trị tại các nước đang phát triển. Một số công ty tại Ấn Độ và Thái Lan... hiện cũng đã sản xuất được những phiên bản biệt dược trị AIDS giá rẻ nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng bất hạnh cho các nạn nhân của đại dịch thế kỷ...
Những con số H.ĐẠO (Theo Med) |