Nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết vaccine hít CanSino tạo phản ứng miễn dịch cao gấp 7-11 lần cho người tiêm hai mũi Sinovac so với tiêm liều thứ ba cùng loại.
Các nhà khoa học thuộc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Giang Tô, nhà dịch tễ học và virus học hàng đầu quân đội Trung Quốc Chen Wei và nhân viên của công ty CanSino Biologics tiến hành nghiên cứu trên 420 người đã tiêm hai liều Sinovac.
Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine dạng hít của CanSino. (Ảnh: CCTV).
Kết quả cho thấy những người dùng liều tăng cường bằng vaccine dạng hít của CanSino có phản ứng kháng thể trung hòa mạnh hơn gần 7-11 lần so với những người tiêm ba mũi Sinovac. Khi so sánh với mũi ba Sinovac về phản ứng trước Delta, vaccine dạng hít của CanSino có khả năng trung hòa chéo cao hơn 18-24 lần sau 28 ngày sử dụng như liều tăng cường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra ở những người dùng vaccine dạng hít CanSino làm liều tăng cường, có ít trường hợp phản ứng bất lợi như mệt mỏi, đau đầu, sốt, khô miệng hoặc sưng cổ họng.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên nền tảng Preprints with The Lancet tuần trước, nhưng chưa được bình duyệt.
CanSino, công ty có trụ sở ở Thiên Tân, Trung Quốc, cho biết vaccine dạng hít là phương pháp không xâm lấn và dễ dàng sử dụng, với mục tiêu cung cấp bảo vệ nhanh chóng, thường xuyên và quy mô lớn. Đây là vaccine sử dụng công nghệ vector trong khi Sinovac là vaccine bất hoạt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia dùng vaccine bất hoạt để tiêm liều đầu tiên nên sử dụng vaccine mRNA hoặc vector để tiêm liều hai hay liều tăng cường nhằm bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, vaccine CanSino sẽ cần trải qua các thử nghiệm lâm sàng trước khi được phê duyệt. Một thử nghiệm lâm sàng ở người với 13.000 người tham gia đã được đăng ký trên cơ sở dữ liệu ClinicalTrials tháng trước. Thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine dạng hít và nghiên cứu chính thức dự kiến hoàn thành vào tháng 4.
Khoảng 87% dân số Trung Quốc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó hơn 84% đã tiêm đủ mũi. Chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này chủ yếu dựa vào vaccine Sinopharm và Sinovac, hai loại đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp và được các nước đang phát triển sử dụng rộng rãi.