Vận động trí óc thật nhiều có giúp chúng ta đốt cháy lượng calo dư thừa?

Hoạt động nhận thức có thể đốt cháy năng lượng bên trong cơ thể, nhưng chừng đó là chưa đủ để tác động đến toàn bộ vóc dáng của chúng ta.

Bạn đang ngồi thẫn thờ bên bệ cửa sổ, gần như không làm gì cả, ánh mắt đăm chiêu nhìn xa xăm nhưng bạn có biết rằng ngay cả trong lúc đó, cơ thể vẫn đang không ngừng đốt cháy lượng calo bên trong. Bạn không đọc nhầm đâu! Cơ thể chúng ta vẫn liên tục đốt cháy calo dẫu cho bạn đang ngồi bơ vơ trên ghế, để tâm trí đi lang thang. Ngạc nhiên thật, đúng không?

Đi sâu hơn nữa, thì chính bộ não người là thứ vẫn liên tục ngấu nghiến lấy calo ngay cả khi chúng ta không vận động. Nhưng làm thế nào điều ấy xảy ra được cơ chứ? Để có thể giải thích được hiện tượng này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cơ chế hoạt động của não bộ.

Não bộ: "Kẻ thèm khát năng lượng"


Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng tiêu tốn đến 20% năng lượng trong đó.

Bộ não là cơ quan trung ương của con người, có nhiệm vụ duy trì tất cả các chức năng sống và được giữ cô lập với những phần còn lại của cơ thể. Nó được bảo vệ kỹ càng nhờ vào phần hộp sọ cứng cáp và màng não kiên cố. Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng tiêu tốn đến 20% năng lượng trong đó. Phần lớn năng lượng mà não bộ nhận được là từ việc phân giải glucose - "thức ăn" ưa thích. Máu liên tục cung cấp glucose đến não bộ, vì bản thân não không thể tự dự trữ glucose.

Vậy bộ não làm gì mà lại tiêu thụ năng lượng nhiều đến vậy?

Nói về các chức năng khác nhau của não chẳng khác nào bàn luận về từng giọt nước trong đại dương vậy! Não người hoạt động liên tục, ngay cả khi chúng ta đi ngủ. Mỗi phân khu khác nhau của não sẽ có các chức năng khác nhau và sự phối hợp cùng lúc giữa chúng sẽ đem lại những tác dụng cụ thể. Ngay cả ở trạng thái nhàn rỗi nhất, bộ não vẫn làm rất nhiều việc.

Các tế bào thần kinh luôn trong trạng thái "làm việc" để giữ cho chúng ta sống sót và cần rất nhiều năng lượng để nơron truyền đi các xung động. Bộ não luôn hoạt động bởi vì nó đảm đương một loạt các hành động của con người như tiếp nhận các kích thích, gửi đi tín hiệu phản hồi, theo dõi các hoạt động không chủ đích, duy trì cân bằng nội môi và nó cũng liên tục liên lạc với các cơ quan nội tạng của cơ thể. Tất cả những điều này đòi hỏi một lượng năng lượng cần thiết tối thiểu được gọi là nhu cầu năng lượng cơ bản.

Những lúc bạn đang ngồi và suy nghĩ về một vấn đề phức tạp nào đó hoặc cố gắng tính xem số tiền cần tiết kiệm để tậu một chiếc smartphone mới, thì lượng calo mà não sẽ đốt cháy trong những lúc tinh thần căng thẳng như vậy sẽ tăng lên.

Bộ não sử dụng năng lượng như thế nào?

Bộ não sử dụng khoảng 300 calo mỗi ngày để giữ mọi thứ trong khuôn khổ. Các hoạt động yêu cầu năng lực nhận thức như học tập, suy nghĩ và tính toán có thể làm tăng sự trao đổi chất bên trong não và vượt qua mức cơ bản đó.

Nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm hiểu được cách não bộ sử dụng năng lượng. Theo đó, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thần kinh đã chỉ ra rằng tốc độ chuyển hóa glucose trong não tăng xấp xỉ 10% khi các đối tượng thực hiện bài kiểm tra phân loại thẻ Winsconsin (một dạng bài kiểm tra tâm lý thần kinh). Sự gia tăng hấp thu glucose trong quá trình thử nghiệm cũng đồng thời kèm theo sự gia tăng lưu lượng máu đến não.


Trung bình toàn bộ não sẽ tiêu thụ khoảng 0.25 calo mỗi phút. (Ảnh minh họa)

Bài kiểm tra yêu cầu những người tham gia phải phân loại mỗi thẻ bài dựa trên số lượng, hình dạng hoặc màu sắc của của các ký tự trên thẻ. Phản hồi sẽ là đánh giá việc phân loại thẻ bài đúng hay không. Dựa vào đó, những người tham gia có thể hiểu rõ hơn về mẫu phân loại. Hơn nữa, sau 10 tấm thẻ bài, việc phân loại sẽ thay đổi.

Trong những nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học đã cố gắng định lượng số calo mà não tiêu thụ. Người ta thấy rằng trung bình toàn bộ não sẽ tiêu thụ khoảng 0.25 calo mỗi phút. Các hoạt động nhận thức được cho là gia tăng khoảng 1% trên toàn bộ não. Những con số này chỉ gần đúng và luôn có sự xê dịch. Vì vậy, các nghiên cứu để tìm ra được số liệu chính xác vẫn đang được tiến hành.

Cho đến nay, có một số bằng chứng cho thấy thực hiện các yêu cầu phức tạp cao như học một ngôn ngữ mới hoặc thực hiện các phép toán có thể làm tăng mức sử dụng glucose của não.

Suy nghĩ càng nhiều, đốt cháy càng nhiều?

Có thể khi đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ đến một "kế sách" khá thú vị để đạt được mục tiêu cân nặng của mình, như là "suy nghĩ thật nhiều để có một thân hình mảnh mai" chẳng hạn. Nhưng đáng tiếc, mọi thứ chẳng hề dễ dàng vậy đâu.

Thực tế, sự thay đổi tổng thể về mức tiêu thụ glucose của cơ thể được tính bằng phút. Giải toán sẽ làm tăng lượng tiêu hao glucose trong não không quá 20 calo trong tổng số 300 calo (nhu cầu năng lượng cơ bản). Vì thế, mức tăng calo này chẳng thấm là bao so với mức tiêu hao năng lượng tổng thể của não bộ.

Ngoài ra, nếu các công việc trí óc phải đốt cháy một lượng lớn calo, thì chúng phải được thực hiện liên tục không ngừng nghỉ trong nhiều giờ. Bạn có thể đốt cháy một lượng calo nếu giải những bài toán cả một ngày dài, nhưng lại một lần nữa, trong điều kiện bình thường nó sẽ không thể nào diễn ra bởi vì tất cả chúng ta đều có một ngưỡng giới hạn nhận thức riêng của mình.

Chúng ta phải có một quãng nghỉ khi trí não bắt đầu bị "bão hòa" bởi một công việc cụ thể nào đó. Hơn nữa, nhiều người sẽ thích ăn trong khung giờ giải lao này. Lúc này, lượng calo nạp vào từ thức ăn còn cao hơn cả số calo mà chúng ta vừa đốt cháy được, khiến cho hiệu quả "đốt cháy calo" tổng thể không còn ý nghĩa. Ngay cả khi chúng ta kiềm lại được ham muốn của bản thân, thì các bài tập toán cũng chỉ giúp sức rất ít cho công cuộc giảm cân lâu dài hoặc cần phải đo lường cân nặng định kỳ của chúng ta.

Giải toán cả ngày sẽ chỉ đốt cháy ít hơn 20 calo, nhưng đi bộ 30 phút lại có thể giúp bạn đốt cháy đến 150 calo. Các hoạt động thể lực sẽ có thể đốt cháy nhiều calo hơn. Do đó, hãy tìm đến những bài tập thể thao cường độ cao để có thể đốt cháy calo trong cơ thể một cách hiệu quả nhất và đem lại cơ thể cân đối mà bạn hằng mong ước.

Cập nhật: 15/07/2024 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video