Nhà chức trách Australia kêu gọi người dân săn bắn kangaroo trên diện rộng nhằm kiểm soát số lượng đang bùng nổ của loài chuột túi và tránh thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
Với người nước ngoài, kangaroo giống như một biểu tượng gắn liền với hệ sinh thái thiên nhiên đặc thù của Australia. Nhưng tại quốc gia lớn nhất châu Đại Dương, loài chuột túi đang tạo ra những vấn đề cho hệ sinh thái.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu không có biện pháp kiểm soát số lượng hiệu quả, hàng chục triệu con chuột túi có thể chết khi hạn hán tới. Đây là nguyên nhân khiến chính phủ kêu gọi người dân săn bắn kangaroo trên diện rộng, theo Channel News Asia.
Kangaroo là loài động vật biểu tượng của Australia. (Ảnh: Reuters).
Chuyện gì đang xảy ra với kangaroo?
Quy mô đàn kangaroo ở Australia thay đổi theo chu kỳ, khi tăng, khi giảm. Nếu thức ăn cho loài này dồi dào sau một mùa mưa, số lượng cá thể kangaroo có thể tăng thêm hàng chục triệu con. Những con kangaroo có thể dễ dàng nhảy qua rào chắn của con người, tấn công các cánh đồng hoa màu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo kangaroo có nguy cơ chết đói và suy giảm số lượng nhanh chóng khi nguồn thức ăn cạn kiệt.
Số lượng loài kangaroo tại Australia đang tăng nhanh. (Ảnh: AP).
"Trong lần gần nhất hạn hán xảy ra trên diện rộng, ở một số khu vực, 80-90% loài kangaroo đã chết", giáo sư Katherine Moseby, chuyên gia môi trường Đại học New South Wales, nói.
Bà Moseby cho hay sau hạn hán, nhiều con kangaroo đói tới mức phải vào nhà vệ sinh công cộng và ăn giấy vệ sinh. Trên các tuyến đường rải rác xác chết của những con kangaroo chết vì đói.
Cách nhân văn nhất để bảo vệ loài kangaroo khỏi nguy cơ chết đói diện rộng là bắn chết chúng ngay lúc này và lấy thịt, đây là cách hiệu quả để kiểm soát số lượng của loài chuột túi.
"Săn bắn diện rộng là cách để giảm số lượng kangaroo, nhờ vậy khi hạn hán đến, sẽ không xảy ra vấn đề thiếu thức ăn cho chúng. Nếu coi kangaroo là một nguồn lực và có cách quản lý hiệu quả, chúng ta sẽ không phải chứng kiến những cái chết bi kịch của chúng", bà Moseby nói.
Kangaroo là loài được luật pháp Australia bảo vệ, tuy nhiên chúng không phải loài trong danh sách bị đe dọa. Do đó, người dân ở phần lớn Australia có thể bắn và giết chết kangaroo khi có sự cho phép của nhà chức trách.
Mỗi năm, khoảng 5 triệu con kangaroo bị bắn chết để phục vụ các ngành sản xuất trong nước. Các bộ phận của kangaroo được thu hoạch để làm thịt, thức ăn động vật và làm da cho ngành sản xuất.
Dennis King, thành viên Hiệp hội Công nghiệp Kangaroo, cho rằng Australia đang ở đỉnh của chu kỳ bùng nổ dân số loài chuột túi.
"Sau 3 năm La Nina ở bờ đông đất nước, chúng ta đang chứng kiến những điều kiện hoàn hảo cho sự phát triển của kangaroo trong vài năm tới. Chu kỳ sinh sản của chúng đang tăng nhanh thực sự", ông King nhận xét.
Theo ông, số lượng loài kangaroo giảm xuống dưới 30 triệu con sau đợt hạn hán tồi tệ đầu những năm 2000. Nhưng sau đó, loài chuột tùi phục hồi rất nhanh và số lượng tăng lên 60 triệu con.
Săn bắn là vô đạo đức?
Các nhà hoạt động quyền động vật từ lâu phản đối việc săn bắn quy mô lớn loài kangaroo, gọi đây là "cuộc tàn sát dã man". Các tổ chức hoạt động cũng gây sức ép, buộc các công ty sản xuất đồ dùng thể thao như Puma hay Nike từ bỏ sử dụng da kangaroo.
"Nike đã rút vốn khỏi một nhà cung cấp da kangaroo vào năm 2021, chúng tôi sẽ dừng sản xuất các sản phẩm sử dụng da kangaroo từ 2023", đại diện của Nike cho hay.
Tại bang Oregon của Mỹ nơi Nike được thành lập, các chính trị gia đang vận động để thông qua luật cấm sử dụng "mọi bộ phận từ xác chết của kangaroo".
Hàng triệu con kangaroo có thể sẽ chết khi hạn hán đến. (Ảnh: The Land).
"Những sinh vật bản địa đang bị tàn sát phục vụ lợi ích thương mại", tổ chức Animals Australia cho biết.
Tuy vậy, chuyên gia về quản lý kangaroo George Wilson cho rằng các nỗ lực nhằm đóng cửa ngành công nghiệp sử dụng các bộ phận của kangaroo có mục đích tốt nhưng đang bị dẫn dắt sai lệch.
"Họ cho rằng làm vậy (khai thác kangaroo) là vô đạo đức, tuy nhiên để kangaroo chết đói hàng loạt mới là vô đạo đức. Ngồi im không làm gì mới thực sự là tội ác", ông Wilson nói.
Giáo sư Moseby của Đại học New South Wales cũng cho rằng ngăn cấm việc săn bắn kangaroo về lâu dài sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
"Việc ngăn cản thu hoạch kangaroo để lấy thịt, lấy da sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho loài chuột túi, về lâu dài sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn", bà Moseby nói.