Ngôi chùa hơn 1.800 năm khiến nhiều người ngạc nhiên vì luôn đổ mưa vào chiều 19/6 hàng năm. Nguyên nhân đằng sau là gì?
Trên dãy Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), có một ngôi chùa cổ nghìn năm nổi tiếng như Thiếu Lâm Tự. Ngôi chùa này có tên gọi là Phong Huyệt Tự.
Chùa có niên đại hơn 1.800 năm và luôn được người dân địa phương coi là thần tự (hay chùa thiêng), bởi ngôi chùa này xảy ra hiện tượng tạm gọi là có thể "hô mưa gọi gió".
Theo người dân địa phương, cứ vào chiều 19/6 hàng năm, luôn có một trận mưa trút xuống rửa sạch ngôi chùa. Đặc biệt, trước khi mưa xuống, động Phong Huyệt ở ngọn núi sau chùa luôn phát ra âm thanh như tiếng gầm thét.
Vậy, đâu là nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này?
Phong Huyệt Tự là ngôi chùa nằm trên trên dãy núi Tung Sơn.
Theo các chuyên gia, quan sát từ vị trí địa lý vây quanh Phong Huyệt Tự là một vùng rừng núi có rất nhiều đá Maifan, đây là loại đá có đặc tính giữ nước tốt. Đá Maifan là một loại đá khoáng tự nhiên. Đây là loại đá có chứa nhiều chất khoáng và gần 50 loại khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể. Do có tính dược nên đá Maifan được ứng dụng để chứa các bệnh về da liễu, thần kinh, tiêu hóa…
Hơn nữa, cây cối xung quanh rậm rạp và không khí có độ ẩm cao. Đó đều là những điều kiện lý tưởng để hình thành mây.
Vào ngày 19/6 hàng năm, vùng này đều đổ mưa. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này có thể liên quan tới hoạt động của con người. Cụ thể, vào ngày này, Phong Huyệt Tự thường tổ chức lễ hội rất lớn. Hàng chục nghìn du khách sẽ tới đây để cầu nguyện. Nơi nào tập trung đông người thì hơi nóng sẽ tỏa ra nhiều hơn. Điều này làm gia tăng tốc độ bốc hơi của không khí nóng ẩm.
Sau đó, không khí nóng ẩm hội tụ với khí lạnh trên cao thành hơi nước và sẽ ngưng tụ thành giọt nước.
Hơn nữa, địa hình đặc trưng của Phong Huyệt Tự khiến nơi này giống như một chiếc máy thu thanh lớn thu hết mọi tiếng động do con người tạo ra. Do đó, khi sóng âm được khuếch đại thì sẽ phá vỡ sự cân bằng của không khí, khiến nước mưa rơi xuống.
Phong Huyệt Tự có vị trí địa lý đặc biệt và lần đầu tiên được xây dựng cách đây hơn 1.800 năm.
Nguyên nhân khiến động Phong Huyệt phát ra âm thanh lớn trước khi mưa có liên quan tới áp suất không khí. Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc chênh lệch áp suất khiến không khí chui vào hang động hình thành các dòng không khí đối lưu. Vì cấu trúc bên trong động gập ghềnh, chỗ cao, chỗ thấp, đoạn rộng, đoạn hẹp, nên tại thời điểm dòng không khí di chuyển từ chỗ rộng tới chỗ hẹp sẽ hình thành hiệu ứng Venturi phát ra âm thanh cực lớn.
Như vậy, hiện tượng kỳ lạ này đã tồn tại lâu năm ở Phong Huyệt Tự, nó được hình thành nhờ cả yếu tố tự nhiên và con người.
Ngôi chùa hơn 1.800 năm có kiến trúc độc đáo
Phong Huyệt Tự có kiến trúc đa dạng và độc đáo qua nhiều triều đại.
Chùa Phong Huyệt được xây dựng lần đầu tiên vào năm Sơ Bình thứ nhất (tức năm 190) thời Hán Hiến Đế của nhà Đông Hán. Sau đó, ngôi chùa này đã được tu sửa và tiếp tục mở rộng vào các triều đại Bắc Ngụy, Đường, Tống, Tấn, Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh. Đây được coi là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Trung Quốc. Chùa Phong Huyệt từng nổi tiếng ngang với Thiếu Lâm Tự (ngôi chùa được xưng tụng là cái nôi của võ thuật Trung Hoa với câu nói "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm"), Bạch Mã Tự, Tương Quốc Tự.
Trong chùa có hơn 140 gian phòng, tòa nhà được xây dựng hài hòa theo thế núi với độ cao được bố trí, thiết kế một cách hợp lý, đa dạng, hài hòa.
Bố cục của chùa Phong Huyệt rất độc đáo. Các tòa nhà chính trong chùa như Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Huyền Chung Các… cũng không được sắp xếp theo trục trung tâm. Điều này có lẽ bị hạn chế do địa hình. Kiến trúc đa dạng của Phong Huyệt Tự gây ấn tượng với các du khách do chùa nhiều lần được tu sửa và xây dựng qua các triều đại.
Do nằm cách xa thành phố, nên Phong Huyệt Tự vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích kiến trúc của nhiều triều đại. Ngôi chùa này cung cấp nhiều tư liệu quý giá về lịch sử kiến trúc, được các chuyên gia ca ngợi là "bảo tàng kiến trúc cổ của Trung Quốc". Trong chùa có hơn 30 tượng Phật bằng đá và 7 tượng Phật bằng gỗ thời Gia Tĩnh Đế (vị hoàng đế thứ 12 của nhà Minh). Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều tấm bia ghi chép về các sự kiện với nhiều kiểu chữ khác nhau.