Chiều cao của những dãy núi phụ thuộc vào các yếu tố như lực đẩy mảng kiến tạo bên dưới mặt đất hoặc tác động của biến đổi khí hậu bên trên đỉnh núi.
Theo Sciencealert, Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Potsdam, Đức gần đây đã xác định được yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiều cao của những ngọn núi.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu cho rằng lực kiến tạo bên dưới mặt đất sẽ đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng tới sự phát triển của núi, chứ không phải sự tác động của phong hoá làm xói mòn phần đỉnh.
Trong quá khứ, các mảng kiến tạo không đứng yên và thường dịch chuyển hướng về nhau. Ở khu vực va chạm giữa 2 mảng kiến tạo, một mảng sẽ bị trượt lên trên, lâu dần sẽ xuất hiện các dãy núi xung quanh.
Lực đẩy từ những mảng kiến tạo bên dưới và tác động của biến đổi khí hậu ở phía trên được cho là 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự thay đổi độ cao của những ngọn núi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng trạng thái cân bằng đẳng tĩnh (isostasy), là quá trình những mảng kiến tạo "trôi" trên những dòng quyển mềm trong tâm Trái Đất, cũng có ảnh hưởng một phần đến chiều cao của những ngọn núi.
Lực đẩy từ những mảng kiến tạo bên dưới lòng đất là tác nhân chính khiến các dãy núi cao lên. (Ảnh: Medium).
Về phương pháp nghiên cứu, các nhà khoa học thực hiện nhiều lần đo lực đẩy của những mảng kiến tạo bên dưới, tham khảo thêm sự tác động của những dòng năng lượng nhiệt và lực ma sát của các vật chất trong lòng Trái đất.
Họ cũng thực hiện đo ở nhiều nơi như dãy Himalaya, dãy Andes, Sumatra và Phú Sĩ. Kết luận cho thấy những ngọn núi này vẫn đang cao, khối lượng và chiều cao vẫn cân bằng với lực kiến tạo bên dưới mặt đất.
"Chúng tôi phát hiện ra sự xói mòn bên trên bề mặt của những ngọn núi là quá nhỏ so với lực đẩy từ mảng kiến tạo bên dưới đẩy lên", các nhà khoa học viết trong bài báo vừa được đăng trên tạp chí khoa học Nature ngày 11/6.
Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận cần phải làm nhiều khảo sát sâu hơn để cung cấp được những thông tin về các dạng vật chất bên dưới lòng đất. Đồng thời là những yếu tố tác động đến sự thay đổi chiều cao của các dãy núi.