Vì sao họ tên người ở thời Tam quốc chỉ có 2 chữ? Phía sau là luật lệ quy định chế độ đặt tên cực kỳ nghiêm ngặt

  •  
  • 2.430

Những ai xem "Tam quốc diễn nghĩa" có lẽ đều có một thắc mắc: Vì sao thời Tam quốc, đa số họ tên người đều chỉ có 2 chữ? Tiêu biểu như Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vũ, Triệu Vân…

Lật lại lịch sử Trung Quốc, suốt chiều dài hơn 300 năm bao gồm nhà Hán và Tam quốc, người ta chỉ đặt tên theo từ đơn, tên kép cực kỳ hiếm hoi.

Cấu trúc danh tính của một người, theo quan niệm của người Trung Quốc, bao gồm: Họ + tên. Và ở đây, chúng ta chỉ nói đến phần "tên". Các nhân vật như Tào Tháo và Lưu Bị, đều có tên đơn tương ứng là "Tháo" và "Bị".

Tại sao tên đơn lại phổ biến ở thời Tam quốc?

Tên người trong “Hậu Hán thư” và “Tam quốc chí” cũng có không ít người mang tên kép. Ví dụ như những ẩn sĩ: Bàng Đức Công, Đặng Lư Thúc…; những nghệ nhân như Đông Phương An Thế…; thậm chí một số người lấy tên được cha mẹ đặt lúc nhỏ thành tên gọi chính thức như Lưu Bồn Tử, Trịnh Tiểu Đồng… Song thành phần tri thức, quan viên chức tước hầu như không có ai lấy tên kép. Điều này thật sự quá kỳ lạ.


Các nhân vật trong Tam Quốc thường có tên 2 chữ.

Vấn đề xuất phát từ Vương Mãng, một quyền thần nhà Hán, về sau trở thành vị Hoàng đế duy nhất của nhà Tân, làm gián đoạn giai đoạn nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Cuối thời Tây Hán, Vương Mãng đoạt chính quyền. Để củng cố thống trị, ông đã áp dụng “Thần học mục đích luận” của Đổng Trọng Thư - nhà triết học duy tâm, chính trị gia và nhà văn thời Tây Hán, gắn liền với việc đề cao Nho giáo như là hệ tư tưởng chính thức của nhà nước đế quốc Trung Hoa. Đổng Trọng Thư ủng hộ thờ trời hơn truyền thống tôn giáo thờ cúng ngũ hành.

Vương Mãng đẩy mạnh mê tín và phục cổ, còn thực hiện một loạt “tân chính”, từ chế độ đất đai đến chế độ dùng người, từ tiền tệ đến địa danh, nơi nào cũng có sự tồn tại của triết lý Nho giáo. Đương nhiên, tên người cũng không ngoại lệ.

Vương Mãng cực kỳ coi trọng “tên”. Vì trong “Xuân Thu Công Dương truyện” có nói: “Nhị danh phi lễ dã” (tạm dịch: tên kép đi ngược lại với lễ nghĩa). Theo đó, chỉ có nô lệ mới có tên kép. Khi ngồi lên ngai vàng, ông đã phát động làn sóng đổi tên trên phạm vi toàn lãnh thổ lúc bấy giờ. Đầu tiên là thay đổi tên của quan lại các cấp trung ương, sau đó là thay đổi địa danh.

Về sau, thậm chí “Hung Nô” còn đổi thành “Giáng Nô” (dân tộc du mục hùng mạnh ở Trung Quốc lúc bấy giờ), “Thiền Vu” đổi thành “Phục Vu” (tước hiệu của các lãnh đạo tối cao của dân du mục), từ đó dẫn đến những cuộc chiến tranh giữa các dân tộc.

Phải nói, Vương Mãng đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết đối với chế độ đặt tên. Ông rất tự hào họ Vương của gia tộc mình, còn ban tặng họ Vương cho Hoàng tộc họ Lưu và bộ hạ có công để thể hiện sự ân sủng.

Vương Mãng
Sau khi lên ngôi, Vương Mang thay đổi tên của quan lại các cấp trung ương, sau đó là thay đổi địa danh. (Ảnh minh họa)

Trong “Hán thư - Vương Mãng truyện” có ghi chép: Cháu trai trưởng của Vương Mãng là Vương Tông chờ đợi trong mòn mỏi để lên làm Hoàng đế vì trước mình còn có ông nội và cha. Thế nhưng Vương Tông cực kỳ gấp gáp.

Ông đã âm thầm cho may trang phục Thiên tử, sai người vẽ tranh của mình, còn khắc ấn đồng. Song song với đó, ông hợp mưu với cậu ruột, chuẩn bị cướp đoạt vương quyền. Thế nhưng thế lực có hạn, sự tình bị bại lộ. Mặc dù là trưởng tôn của Vương Mãng nhưng âm mưu lật đổ ngôi vị là chuyện tày trời. Vương Tông lấy thế làm hổ thẹn, nghĩ rằng bản thân chỉ có đường chết nên đã tự sát trước một bước.

Mặc dù người đã chết nhưng Vương Mãng vẫn hạ một mệnh lệnh: “Tông vốn có tên Hội Tông, bị xóa một chữ trong tên kép theo quy tắc, nay phục danh Hội Tông”.

Thì ra Vương Tông vốn có tên Vương Hội Tông, nhưng chiếu theo pháp lệnh của Vương Mãng, tên của ông chỉ còn “Vương Tông”. Sau khi phạm tội, cũng tức là bị tước đi “đặc ân” đặt tên đơn, nên phải phục hồi tên cũ “Vương Hội Tông”.

Từ mệnh lệnh của Vương Mãng có thể thấy 3 vấn đề:

  • Một, tên người trước thời Vương Mãng không bị hạn chế, con cháu của ông vẫn có tên kép.
  • Hai, sau khi Vương Mãng lên ngôi, ban hành pháp lệnh “bỏ đi một chữ trong tên kép”. Cũng tức là luật lệ này không cho phép người bấy giờ đặt tên kép.
  • Ba, một khi đã trở thành tội nhân thì phục hồi lại tên kép như cũ (nếu có). Đây cũng là một kiểu trừng phạt sỉ nhục và tước bỏ quyền lợi bình thường.

Trong “Hán thư - Vương Mãng truyện” lại có câu: “Hung Nô Thiền Vu, thuận chế tác, khứ nhị danh”. Ý nói Hung Nô Thiền Vu thuận theo pháp lệnh của Vương triều, bỏ một chữ trong tên kép. Có thể thấy, lúc bấy giờ, Vương Mãng không chỉ ban hành lệnh cấm sử dụng tên kép, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến Hung Nô.

Vì có pháp lệnh của Vương Mãng, nên kể từ thời của ông, người ta dần hình thành thói quen đặt tên đơn. Mặc dù sau này lời của Vương Mãng không còn hiệu lực, nhưng thói quen đã trở thành tục lệ, cho rằng đặt tên kép là chuyện không vẻ vang.

Nếu như đổi thành thời nay, người người đều đặt tên đơn thì hiện tượng trùng tên rất nghiêm trọng. Nhưng thời bấy giờ dân số không quá đông, tên đơn không gây ra ảnh hưởng xấu đến xã hội. Vì vậy, hiện tượng tên đơn cứ thế được duy trì, mãi cho đến thời Tam quốc.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác khiến làn sóng đặt tên đơn trở nên dễ dàng được chấp nhận và tuân thủ hơn là trường hợp kị húy (tránh dùng một số tên để bày tỏ sự tôn trọng).

Tần Thủy Hoàng thành lập nước Tần, chế độ kị húy càng trở nên nghiêm khắc hơn. Dùng tên của Hoàng đế sẽ bị trảm đầu. Do đó, từ Hoàng đế cho đến dân thường đều dùng cách đặt tên đơn để tránh trường hợp kị húy hết mức có thể.

Ví dụ như cháu của Hán Vũ đế là Lưu Bệnh Dĩ, mang tên kép. Nhưng sau khi lên làm Hoàng đế, hai từ “Bệnh Dĩ” quá phổ biến nên ông đã đổi tên mình thành Lưu Tuân.

Cập nhật: 30/09/2024 TTVH
  • 2.430