Vì sao người lớn khó học một ngôn ngữ mới?

  •  
  • 1.631

Trong khi trẻ em dễ dàng tiếp thu một ngôn ngữ mới, người lớn thường chật vật để nhớ từ khi học một thứ tiếng mới. Sự khác biệt được cho là do tuổi tác này đã thôi thúc các nhà khoa học tìm hiểu tại sao học ngoại ngữ là cực kỳ khó đối với người lớn? Các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha gần đây đã tìm ra câu trả lời, đồng thời chỉ ra những phát hiện ấn tượng liên quan đến não người.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nhận thức, Trí não và Ngôn ngữ Basque đã sử dụng công nghệ chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) não bộ để so sánh hoạt động não trong khi người lớn học kỹ năng đọc, nghe và nói bằng tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ mới. Đối tượng nghiên cứu là những người cùng học trong một trường ngôn ngữ, có phạm vi tuổi tác rộng - từ 17 đến 60 tuổi - nhằm tìm hiểu tác động của tuổi tác đối với phản ứng não trong quá trình học ngoại ngữ.

Họ được chia thành hai nhóm, gồm nhóm người lớn nói tiếng Tây Ban Nha bản địa học tiếng Basque ở cấp độ cơ bản hoặc nâng cao và nhóm thanh thiếu niên nói tiếng Tây Ban Nha bản địa tham gia học ngoại khóa chương trình tiếng Anh giao tiếp kéo dài 3 tháng. Cả hai nhóm đều trải qua nhiều lần chụp fMRI trong khi hoàn thành các bài kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ.

Ở giai đoạn đầu của quá trình học (học căn bản), cả tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ mới, các nhà nghiên cứu phát hiện hoạt động não khá giống nhau. Ở giai đoạn sau (học nâng cao), hoạt động não có sự khác biệt và có xu hướng chuyên biệt hóa giữa hai bán cầu não. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Kshipra Gurunandan, những kỹ năng khác nhau như đọc, nghe và nói thể hiện sự linh hoạt và chuyên biệt hóa khác nhau trong não, đặc biệt ở người lớn, với bộ não hoàn chỉnh và có xu hướng suy giảm chức năng theo thời gian.

Cụ thể, ngôn ngữ bản địa và ngôn ngữ mới có thể được hiểu bằng hai bán cầu não khác nhau nhưng nói được chúng thì chủ yếu phụ thuộc vào bán cầu não trái. Đây là lý do người lớn có thể đọc và hiểu ngôn ngữ mới dễ hơn là học nói. Kết quả cũng cho thấy khi vỏ não phụ trách vận động tham gia vào quá trình học - tức khi người ta dùng mắt, tay và miệng để học nói - não bộ đã chuyên biệt hóa chức năng của nó. Vì vậy, việc người lớn khó học ngôn ngữ mới có lẽ bắt nguồn từ khía cạnh vật chất trong não.

"Nghiên cứu không chỉ làm sáng tỏ lý do chúng ta thường gặp khó khi học cái mới ở tuổi trung niên, mà còn giúp giải thích khả năng phục hồi sau khi một người trải qua chấn thương não hoặc suy giảm nhận thức. Trong trường hợp bán cầu não trái tổn thương, kỹ năng đọc hoặc hiểu có thể dễ dàng học lại hơn kỹ năng nói" - bà Gurunandan giải thích.

Nghiên cứu mới còn cho thấy mặc dù não của nhóm thanh thiếu niên thay đổi nhiều hơn một chút so với nhóm người lớn, song khả năng hiểu của hai nhóm là như nhau - chứng tỏ khả năng này phát triển suốt đời. Điều đó có nghĩa không bao giờ là quá muộn để học một ngôn ngữ mới, hoặc tiếp nhận những lợi ích về trí não mà việc học mang lại. Bằng chứng là ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy học ngôn ngữ mới là “công cụ mạnh mẽ để củng cố sự dẻo dai thần kinh trong não (brain neuroplasticity)”. Ngay cả những chương trình học ngôn ngữ tương đối ngắn, kéo dài chỉ vài tháng cũng có thể giúp định hình lại mạng lưới não bộ, cải thiện nhận thức và tăng cường khả năng kết nối trong não của những người đang già hóa.

Nhìn chung, duy trì sự linh hoạt của não có thể giúp con người duy trì sự minh mẫn và tinh thần khỏe mạnh khi già đi. Và ngay cả khi trí não già hóa các bộ phận khác nhau trong não vẫn làm việc theo cách riêng để bù đắp.

Cập nhật: 07/09/2021 Theo Báo Cần Thơ
  • 1.631