Trong thời đại của mạng xã hội, nút "like" (thích) trở thành công cụ xác định giá trị của một người và đôi khi cũng là cách quên đi nỗi buồn.
Lý do nhiều người nghiện lượt like trên mạng xã hội
Mong muốn được nhìn thấy, thấu hiểu, biết đến và chấp nhận là nhu cầu cơ bản của con người. Theo bà Daria Kuss, phó giáo sư tâm lý học từ Đại học Nottingham Trent (Anh), giống như một đứa trẻ chạy đến khoe bố mẹ bức tranh mới vẽ, ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, chúng ta cũng muốn được khen thưởng, ghi nhận.
Muốn chia sẻ để được khen thưởng, ghi nhận không phải điều xấu. Tuy nhiên, nếu mong muốn mọi bức ảnh, mọi bài đăng của mình đều được nhiều lượt "thích", bạn có thể đang bị phụ thuộc vào mạng xã hội do các nguyên nhân dưới đây.
Bộ não được huấn luyện để thích những lượt "like"
Theo phó giáo sư Kuss, cũng như những lời có cánh ngoài đời thực, những lượt thích và bình luận tâng bốc trên mạng xã hội kích hoạt trung tâm khen thưởng của não bộ người nhận, gợi nên cảm giác hạnh phúc. Dần dần, bộ não liên kết các thông báo trên mạng xã hội với trải nghiệm tích cực, thôi thúc bạn tìm kiếm thêm và tạo nên một vòng lặp: đăng bài, chờ phản hồi, sung sướng vì được khen rồi tiếp tục như vậy.
Niềm vui từ những lượt thích cực kỳ ngắn, người dùng mạng xã hội chìm trong vòng lặp và thời gian dùng Internet ngày một tăng lên.
Mọi thứ diễn ra nhanh
Bạn chỉ mất và phút, thậm chí vài giây để đăng một bức ảnh lên mạng xã hội, sau đó nhận lượt "thích". So với việc dành hàng tháng trời hoàn thành một nhiệm vụ khó để được lời khen từ sếp, đăng ảnh selfie và đếm "like" dễ dàng và đỡ tốn thời gian hơn nhiều.
"Trong những cuộc hội thoại trực tiếp, bạn cũng khó biết suy nghĩ của người đối diện, trừ khi họ thể hiện ra bằng lời nói hoặc hành động", Gregory Serapio-García, nghiên cứu sinh ở Đại học Cambridge đang nghiên cứu về mối liên hệ giữa mạng xã hội và nhân cách, phân tích.
Những lời khen trên mạng xã hội đến một cách dễ dàng nên con người có xu hướng đòi hỏi số lượng hơn chất lượng. "Một lời khen ngoài đời thực chưa chắc khiến bạn vui bằng hàng trăm, hàng nghìn lời khen ảo trên mạng xã hội", chuyên gia trị liệu tâm lý Marline Francois-Madden (Mỹ) nhận định.
Lượt like trên mạng xã hội kích hoạt trung tâm khen thưởng của não bộ người nhận, gợi nên cảm giác hạnh phúc. (Ảnh: UChealth).
Bạn đang cố xác định và chứng minh giá trị của bản thân
Theo lý thuyết tự khẳng định trong tâm lý học, con người xác định bản thân thông qua sáu yếu tố gồm vai trò xã hội, giá trị, bản sắc nhóm, niềm tin trung tâm, mục tiêu và các mối quan hệ.
"Tôi nghĩ mạng xã hội có đủ sáu yếu tố này", Serapio-García cho biết. Bằng cách ghi lại những thành tích và các mối quan hệ của bạn, kết nối bạn với các nhóm chung sở thích, mạng xã hội cung cấp rất nhiều thông tin để bạn định hình nhận thức của mình về chính bản thân.
Francois-Madden bổ sung thêm cảm giác về bản thân rất dễ bị lung lay. Liên tiếp đăng bài trên mạng xã hội để thu hút các lượt thích cũng là biểu hiện cho thấy bạn đang vật lộn với vấn đề nào đó, ví dụ như nhu cầu được chấp nhận, nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc thiếu niềm tin vào chính mình.
Bạn đang tạo ra phiên bản cuộc sống mà bạn muốn có
Một người vợ đau buồn vì chồng ngoại tình có thể đăng một bức ảnh gia đình hạnh phúc để tìm kiếm sự an ủi trên mạng xã hội. Những lượt thích và lời khen ảo giúp cô quên đi sự thật và cảm giác rằng mọi thứ vẫn ổn.
"Mạng xã hội giúp người dùng xác thực điều mà họ muốn", Francois-Madden lý giải. "Họ cảm thấy tốt hơn khi người khác tin vào câu chuyện họ dựng nên trên mạng xã hội".
Bên cạnh đó, khao khát những lượt thích có thể là biểu hiện của hành vi làm hài lòng người khác. Khi bạn đăng một tấm ảnh và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, bạn sẽ có xu hướng tiếp tục chia sẻ những bức hình tương tự. Bạn không dám thay đổi cách thể hiện trên mạng xã hội vì sợ rằng nếu làm vậy, bản thân sẽ không được yêu quý nữa.
Để dần thoát khỏi sự ám ảnh về nút "like", Francois-Madden khuyên sau mỗi lần đăng bài trên mạng xã hội, bạn nên đợi một tiếng hẵng kiểm tra thông báo hoặc thoát khỏi ứng dụng mạng xã hội luôn.
"Bên cạnh đó, hãy tự nhìn ra giá trị của mình", Francois-Madden nói. "Làm sao để bạn công nhận bản thân từ bên trong chứ không cần nhờ đến người ngoài".